Được gì sau quá trình 23 trường đại học ở Việt Nam thí điểm tự chủ?

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, tự chủ đại học là xu thế tất yếu đã được ghi trong Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học.

Trên thực tế ở các trường được trao tự chủ, việc ra quyết định được nhanh hơn, sát thực hơn và linh hoạt hơn rất nhiều. Những trường quản trị tốt sẽ phân cấp trao quyền tới từng cán bộ, khi đó tạo nên sự năng động, sự chủ động trong toàn hệ thống, khai thác được trí tuệ nguồn lực của cả trường. Hiệu quả mang lại là nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy nghiên cứu phục vụ cộng đồng, đem lại lợi ích cho người học và xã hội. Bản thân uy tín của các trường cũng đã được nâng lên.

Theo ông Sơn, khi tự chủ được đẩy mạnh Bộ GD&ĐT sẽ giảm bớt công việc quản lý hành chính với các đơn vị phụ thuộc và có thể tập trung vào quản lý nhà nước như: định hướng chính sách, kiểm tra giám sát, xây dựng các chuẩn mực để toàn hệ thống phát triển. Khi đó chất lượng xây dựng chính sách, công tác kiểm tra giám sát cũng như hỗ trợ của Bộ sẽ có thể làm tốt hơn.

PGS. TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng tự chủ chính là tự mình nắm vận mệnh của chính mình, vì vậy các trường đã vận hành tốt hơn. Thực tế tự chủ tháo gỡ cho các trường, mạnh mẽ nhất là về học thuật. “Tự chủ học thuật thì chúng tôi mới chủ động mở được ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội và đã thu hút số lượng lớn người học các ngành mới đó”- bà Hương chia sẻ.

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT, cái được lớn nhất khi thí điểm tự chủ là tạo động lực cho toàn hệ thống, dẫn đến Luật giáo dục đại học sửa đổi và thúc đẩy tất cả các trường phải theo hướng tự chủ.

Những “điểm nghẽn” của tự chủ đại học

Điểm nghẽn đầu tiên và lớn nhất chính là quan niệm về tự chủ. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho rằng nên coi tự chủ như một quyền mặc nhiên của các trường đại học. “Nếu ta hiểu như thế nào mới được tự chủ thì tiến trình sẽ chậm. Giống như việc một người sống trong xã hội có đầy đủ các quyền, quyền chỉ có thể bị hạn chế khi anh vi phạm pháp luật. Nên coi giáo dục đại học cũng như vậy”.

Ví dụ quy định các trường phải có hội đồng trường mới được tự chủ, nhưng giờ đã quá thời hạn quy định của NĐ 99 nhưng vẫn còn rất nhiều trường chưa thành lập được HĐ trường. Hoặc để tự chủ các trường phải có nền tảng về chất lượng, thể hiện bằng việc kiểm định chất lượng nhưng đến hôm nay nhiều trường vẫn chưa xong kiểm định chất lượng. Chính các trường phải chủ động để đẩy nhanh tiến trình tự chủ của mình.

Về vấn đề Hội đồng trường, hiện còn nhập nhằng trong việc phân vai giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Hội đồng trường tồn tại chỉ mang tính hình thức, hiệu trưởng nắm hết quyền… Điểm nghẽn này được TS Lê Trường Tùng nhận xét chỉ ở các đại học công. Lý do là một thời gian dài các trường này không có hội đồng trường, mọi công việc ấn định là của hiệu trưởng nên khó khăn "chẳng qua là quá mới".

Còn ở trường tư, khi thành lập đã có hội đồng quản trị nên trường tư đã quen hoạt động vừa có hội đồng trường vừa có hiệu trưởng, ban giám hiệu. “Chức năng từng nơi thế nào, phối hợp thế nào, khi có xung đột giải quyết thế nào trường tư đã quá quen. Vấn đề là quá mới chứ bản chất không phải phức tạp”- ông Tùng nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng thừa nhận Hội đồng trường do Luật bắt buộc phải có nên nhiều trường "lập ra cho có". Nhưng ông Sơn tin rằng khi các trường bắt tay vào làm tự chủ sẽ thấy Hội đồng trường không thể thiếu được. Vì Hội đồng trường không chỉ chia sẻ quyền lực mà còn chia sẻ trách nhiệm và giám sát việc đầu tư nguồn lực, sẽ là quá sức nếu hiệu trưởng gánh một mình.

Tự chủ tài chính cũng được coi là một điểm nghẽn khác của tiến trình tự chủ. Khái niệm chia sẻ chi phí đang được nhiều trường hiểu sai. Tính đúng tính đủ là quy trách nhiệm của nhà nước, nhà trường và người học chứ không phải tính đúng tính đủ là đổ lên đầu người học. Tính đúng tính đủ rất quan trọng là nguồn lực để các trường tồn tại và phát triển, nhưng tính đúng tính đủ không có nghĩa từng cá nhân phải chi sao cho đúng, đủ.

Nhà nước có trách nhiệm đầu tư kinh phí cho trường đại học, người học trả học phí không phải đủ cho các trường hoạt động mà phải theo các quy định của nhà nước.

Khi tự chủ thì sẽ phải minh bạch câu chuyện chia sẻ chi phí của các bên liên quan từ nhà nước, nhà trường đến người học. Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình, phải công khai khoản thu, khoản chi để xã hội giám sát…

TS Lê Trường Tùng cho rằng Tài chính sinh viên là vấn đề lớn không đơn thuần là bài toán của từng trường mà vấn đề của quốc gia. Theo ông Tùng cần có “mô hình tài chính sinh viên”, bao quát tất cả các khía cạnh để từ đây phụ huynh cũng sẽ nhìn nhận vấn đề rõ ràng chia sẻ với nhà nước và nhà trường thế nào. Trong mô hình đó, sinh viên có thể đóng học phí toàn phần, cơ chế học bổng cho sinh viên học lực giỏi, có cơ chế cho vay để sinh viên đi học.

Tự chủ về học thuật có thể coi là điểm đã được tháo gỡ. Nhưng tự chủ về tài chính và tổ chức còn phụ thuộc vào các luật chuyên ngành. Ví dụ như việc trả lương lãnh đạo hay cán bộ giảng dạy, việc tuyển dụng bổ nhiệm hay bãi nhiệm, cho thôi việc các cá nhân cũng bị ràng buộc bởi các luật chuyên ngành.

Vì vậy còn nhiều vấn đề về hành lang pháp lý cần được giải tỏa cũng như các giải pháp mới cần được đưa ra để khơi thông các điểm tắc nghẽn của tự chủ đại học ở Việt Nam.

Xem toàn bộ cuộc tọa đàm tại đây: