Trong thời gian vừa qua, dư luận phản ánh, chia sẻ nhiều đề tài luận án tiến sĩ được đánh giá là rất “lạ lùng” như "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La"; "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng" …

Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đây là một sự khôi hài, thậm chí là khinh rẻ, giễu cợt tấm bằng tiến sĩ và không hề có ý nghĩa về mặt khoa học.

So sánh với các bậc đào tạo đại học, sau đại học, bà Thái nhấn mạnh những đề tài luận án được dư luận, báo chí phản ánh trong thời gian qua không xứng tầm một khóa luận tốt nghiệp đại học hay một luận văn thạc sĩ. Trong chừng mực nào đó, nó phù hợp là một bài báo chia sẻ kinh nghiệm.

“Nếu tôi ngồi hội đồng để chấm đề tài luận án tiến sĩ thì không bao giờ tôi duyệt tên một đề tài thiếu tính khoa học một cách khủng khiếp như vậy”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn.

Không chỉ “lạ lùng” ở tên đề tài mà qua sự phản ánh của dư luận dường như đang tồn tại hiện tượng “nhân bản” đề tài luận án tiến sĩ. Nhiều tên luận án tiến sĩ na ná giống nhau, chỉ cần “thay tên, đổi họ” là có thêm một luận án tiến sĩ mới.

Đơn cử như năm 2016, Viện Khoa học thể dục thể thao có đề tài "Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM". Đến năm 2017, viện này tiếp tục cho học viên bảo vệ đề tài "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng".

Cũng trong năm 2016, Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM cho bảo vệ đề tài "Ứng dụng một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học tư thục Hoa Sen TP.HCM". Năm 2020 trường này tiếp tục có đề tài tương tự "Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường Đại học Phú Yên".

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, sự “nhân bản” luận án tiến sĩ là sự dễ dãi, một khối u trong nghiên cứu khoa học. Bởi mỗi luận án tiến sĩ phải giải quyết một bài toán nào đó về khoa học, có những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn nhưng dường như hiện nay nhiều người đang cố học tiến sĩ, cố làm luận án để thuận tiện cho việc thăng quan tiến chức, phục vụ cho thói háo danh của mình.

Những đề tài không xứng tầm luận án tiến sĩ, theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nó thể hiện sự rối loạn trong nguyên tắc xét duyệt đề tài ngay ở cấp nhỏ nhất (cấp khoa) đã không đủ trình độ, thậm chí không đủ sự “trong sáng” tuyển lựa, xét duyệt đề tài ngay trong đơn vị của mình.

Riêng với tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất, danh giá nhất sau đại học, bà Thái cho rằng cần thiết phải có hội đồng để xét duyệt tên đề tài ở cấp cơ sở (cấp khoa) và cấp cao hơn, thậm chí phải có bộ nguyên tắc xét duyệt đề tài.

“Bản thân đề tài nó đã gọi được tên khoa học của vấn đề nghiên cứu; bản thân tên khoa học của vấn đề nghiên cứu khi được xác định thì nó cũng xác định luôn bố cục của luận án tiến sĩ đó. Với những nhà khoa học giỏi, có kinh nghiệm chỉ cần xem qua họ đã xác định được đề tài nào chỉ là tầm khóa luận, luận văn và đề tài nào mang tầm luận án tiến sĩ”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh.