Lớp học nhiều “không”

Ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hình ảnh anh Phùng Văn Trường ngồi trên chiếc xe lăn trong căn phòng nhỏ đơn sơ cùng với đám trò nhỏ vây quanh quen thuộc với người dân từ lâu. Đây là lớp học đặc biệt. Đặc biệt bởi nó có nhiều cái “không”: không phấn, không bảng, người dạy không có bằng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học và không có chứng chỉ sư phạm. Thậm chí, người dạy còn không có khả năng cầm phấn, viết bảng. “Cả đôi chân và đôi tay của tôi đều yếu, mất khả năng vận động. Nhưng tôi còn một chút phước là đầu óc mình còn tỉnh táo. Tôi muốn làm gì đấy có ích cho cộng đồng”, anh Trường chia sẻ.

Bản thân người dạy - anh Phùng Văn Trường cũng không nhận mình là thầy. Tuy nhiên, không vì thế mà học sinh của lớp học thiếu tập trung vào bài giảng hay phụ huynh kém nể trọng người giảng. Điều này dễ dàng cảm nhận được qua âm giọng, cách xưng hô của cả học sinh và phụ huynh dành cho người dạy. Tất cả đều gọi anh là “thầy”.

Cách dạy của anh Trường là thầy đọc - học sinh chép, rồi giảng giải, trao đổi. Chỉ những gì cần phải viết ra, anh Trường mới dùng miệng ngậm bút, viết lên giấy để học sinh nhìn mẫu. Bằng cách này, anh đã uốn nắn, chỉ bảo, giúp cho nhiều em nhỏ nắm chắc kiến thức từ khi cắp sách tới trường cho đến hết bậc tiểu học.

Mới ngày nào còn bỡ ngỡ, viết chữ nguệch ngoạc nhưng sau một thời gian tham gia lớp học của thầy Trường, cháu Hoàng Thị Thu Hiền, Trường Tiểu học Tân Tiến đã trở thành học sinh “vở sạch chữ đẹp”. Hiền cũng đọc trôi chảy và làm những phép toán đơn giản khá nhanh.

Đến với lớp học của thầy Trường, cháu Hoàng Văn Nhật và Lê Phương Thảo đều giữ được học lực khá các môn toán và tiếng Việt. Chữ viết cũng rất gọn gàng, sạch đẹp. Khi hỏi về thành tích học tập, cả Nhật và Thảo đều nhắc đến người thầy mà em rất yêu mến. “Thầy giúp con học Toán và Tiếng Việt tốt hơn. Con chúc thầy khỏe để thầy dạy chúng con”, Thảo chia sẻ.

Thậm chí, có những em nhỏ từng bị hổng kiến thức nhưng với sự kiên trì hỗ trợ của người thầy khuyết tật, các em đã nắm được kiến thức cơ bản. Hoặc có em chậm phát triển về trí tuệ, cha mẹ từng không nghĩ con mình có thể theo học cùng các bạn cùng trang lứa, nhưng được thầy Trường kèm cặp, em đã học lên bậc Trung học phổ thông. Cháu Nguyễn Văn Tích - con của anh Nguyễn Văn Túc là một ví dụ. Đề cập sự tiến bộ của con, anh Túc chia sẻ: “Lúc còn bé cháu học kém lắm. May gặp được chú Trường, chú kèm cặp nhiệt tình nên học tốt lên”, anh Túc tâm sự.

Cứ như vậy suốt 14 năm nay, không phấn trắng, bảng đen nhưng anh Phùng Văn Trường đã giúp cho nhiều em nhỏ có thành tích học tập tốt, là con ngoan, trò giỏi ở vùng quê Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Những bài học vô giá

Khi sinh ra, anh Phùng Văn Trường là người bình thường. Nhưng khi đến tuổi tập đi, anh bị bệnh thoái hóa cơ, cả chân và tay mất khả năng vận động. Dù rất cố gắng nhưng khi học xong lớp 8, anh đành phải nghỉ vì đôi tay không thể cầm bút.

Không đầu hàng số phận, trong khi ở nhà bán tạp hóa, anh vẫn tự mày mò học tập, đồng thời miệt mài luyện viết chữ bằng miệng. “Để dạy cho các em được, tôi phải viết ra để các em nhìn. Cả chân và tay mất khả năng vận động nên tôi phải tập viết bằng miệng. Hàng tháng trời, liên tục, ngày nào tôi cũng cho cây bút vào miệng tập viết ra giấy. Thời gian đầu, do ngậm cây bút chưa quen, nó làm tôi chảy máu, nôn ói”, anh Trường kể.

Bằng sự nỗ lực, anh Trường đã làm được những điều tưởng không thể - viết chữ bằng miệng. Nhìn vào nét chữ rất đều và đẹp, không ai nghĩ nó được viết ra bằng miệng. Cùng với lượng kiến thức đáng kể anh tự học và cách anh giúp cho các em nhỏ say mê học tập, nhiều phụ huynh muốn đưa con tới để anh bổ trợ và nâng cao kiến thức. Bởi tới đây, ngoài kiến thức, các em nhỏ còn học được những bài học vô giá từ tâm hồn lạc quan, nghị lực phi thường của người thầy khuyết tật Phùng Văn Trường.

Tương tự, anh Vũ Phong Kỳ, quê ở tỉnh Nam Định, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội cũng phải ngồi xe lăn từ khi lên 10 tuổi do đôi chân không thể đi lại. Vì đôi tay kém hoạt bát và sức khỏe kém, anh cũng chỉ học hết lớp 9. Tuy nhiên, với quyết tâm và đam mê, anh chinh phục và làm chủ chiếc máy tính với chuyên ngành đồ họa. Hiện tại, vừa làm dự án cho một số công ty nước ngoài, anh vừa đảm nhận vai trò của một người thầy, dạy về công nghệ thông tin tại Trung tâm Nghị lực sống. “Em về dạy tại Trung tâm từ năm 2018. Niềm vui của em là sự trưởng thành, thành đạt của các bạn học viên”, anh Kỳ tâm sự.

Ngoài việc truyền dạy kiến thức, anh Kỳ còn thường xuyên chia sẻ về những khó khăn, thách thức từng gặp phải do đôi chân và đôi tay khuyết tật cũng như cách thức để vượt qua. “Em hay kể về khiếm khuyết của mình để qua đó khích khích lệ về tinh thần cho các bạn. Vì khi tới Trung tâm Nghị lực sống, nhiều bạn hay lo lắng, không tin là mình có thể làm được. Em nói với các bạn là khi đến đây, em chỉ dạy 30% kiến thức thôi, phần còn lại em dạy về cách thức để vượt qua khó khăn. Em cũng nói các bạn hãy coi em là người anh, người đi trước các bạn thôi. Vì em thấy chữ thầy rất thiêng liêng và cao quý”, anh Kỳ chia sẻ.

Học trò của anh Vũ Phong Kỳ phần lớn là người khuyết tật nên đều có sự đồng cảm và thấu hiểu. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn đến Trung tâm Nghị lực sống - nơi anh Trường giảng dạy, tất cả đều cảm thấy như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực từ chính câu chuyện cuộc đời của người đứng lớp - Vũ Phong Kỳ. “Em thấy mình còn may mắn hơn thầy, vì tình trạng khuyết tật của em nhẹ hơn thầy Phong. Nghĩ như vậy nên em thấy mình cần nỗ lực hơn để có được cuộc sống như thầy”, Nguyễn Văn Dương, quê ở tỉnh Ninh Bình chia sẻ.

“Em bị teo cơ, phải ngồi xe lăn. Trước kia em tự ti, sống khép mình. Từ khi đến Trung tâm Nghị lực sống, học lớp của thầy Phong, em thấy cuộc sống của mình sang một trang mới, từ suy nghĩ đến hành động đều theo chiều hướng tích cực”, Phạm Phúc Nam, quê ở tỉnh Bắc Ninh tâm sự.

Khiêm tốn không nhận mình là thầy, tuy nhiên, anh Vũ Phong Kỳ và anh Phùng Văn Trường không chỉ mang đến cho người học những bài học bổ ích mà còn lan tỏa lối sống tích cực tới cộng đồng bằng chính câu chuyện về ý chí, nghị lực vươn lên của mình. Đó là những đóng góp vô giá cho xã hội.

Nghe bài viết dưới đây: