Thầy trò vừa lo học bù vừa gấp rút luyện thi

Năm nay, học sinh lớp 9 ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trở lại trường ngay sau Tết âm lịch. Nhưng do tỉ lệ học sinh và giáo viên nhiễm F0 tăng liên tục thời gian trước nên đến nay, đúng vào giai đoạn "nước rút" rất nhiều lớp mới ổn định được lịch học.

Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đang trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa lớn khiến không gian học tập ít nhiều bị tác động bởi tiếng ồn. Tuy nhiên, với học sinh cuối cấp như Nguyễn Đăng Khoa, lớp 9A9, những tác động ngoại cảnh này không thấm so với tác động của đại dịch Covid-19 khiến các em phải học trực tuyến suốt cả năm học. Được trở lại trường và lại trong giai đoạn “nước rút” cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 theo Đăng Khoa đã là may mắn.

“Học trực tuyến em thấy thực sự rất mệt và buồn ngủ. Qua màn hình, giáo viên không thể truyền đạt được nhiệt huyết nên chúng em khó bắt kịp tiến độ học tập. Lớp 9 hầu hết phụ huynh, học sinh đều bị áp lực", Đăng Khoa chia sẻ.

Khoa cho biết giai đoạn này các thầy cô ở trường đều bố trí bồi dưỡng kiến thức nhưng bản thân em cũng như bố mẹ vẫn lo lắng và tìm các lớp học thêm của thầy cô luyện thi có tiếng với mong muốn bồi đắp kiến thức hổng của học kỳ I và đủ kiến thức để làm bài thi sắp tới. "Học tăng ca cũng mệt nhưng em nghĩ cố lên, sắp qua rồi”, Đăng Khoa cho biết.

Cô Nguyễn Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường THCS Thành Công cho biết đến thời điểm này, tình hình dịch ổn định, tỷ lệ học sinh, đặc biệt khối 9 học trực tiếp đã đạt 98-100%.

Tuy nhiên, nhìn từ bài khảo sát học sinh lớp 9, cô Ngọc Anh cho rằng thời gian học trực tuyến kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập như hổng kiến thức, một bộ phận học sinh chưa thực sự chú ý tập trung hoặc thiếu kỹ năng làm bài.

Các tổ bộ môn được yêu cầu lên phương án cụ thể theo từng mốc thời gian với từng phần nội dung ôn luyện. Thời gian 2 tháng cuối trước kỳ thi, nhà trường sẽ cùng lúc củng cố, hoàn thiện kiến thức bằng các bài kiểm tra, thông báo với phụ huynh kết quả để cùng đốc thúc, nhắc nhở con em mình.

Mong đề thi ra vừa sức

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong điều kiện bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, học sinh lớp 9 cũng trở lại trường từ giữa tháng 2 theo cách kết hợp trực tiếp, trực tuyến tùy diễn biến dịch ở từng lớp học.

Cô Dương Thị Hồng Thơm, tổ Trưởng tổ Toán, trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 cho biết, lớp 9 do cô chủ nhiệm chỉ mới thực sự ổn định trong khoảng nửa tháng nay. Học sinh F0 nghỉ học, không ít em gia đình có người thân mất… và còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý cũng như việc học tập và thi cử dù các thầy cô cố gắng bù đắp kiến thức và tổ chức ôn luyện các dạng bài thi.

Những năm trước, các bài kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ đều chung đề toàn Quận, đồng thời coi như bài đánh giá chất lượng để phụ huynh và giáo viên định hướng lựa chọn trường cấp 3 phù hợp năng lực từng học sinh. Tuy nhiên, năm nay do lịch học- nghỉ dịch ở các trường không thể đồng nhất, Phòng GD-ĐT Quận giao các trường tự chủ tổ chức thi học kì, lịch thi cũng muộn hơn mọi năm nên khá khó khăn trong công tác tư vấn cho học sinh.

"Thôi thì cô trò cùng cố gắng. Chỉ mong sao đề thi ra vừa sức. Cao thì cao cả thành phố, thấp cũng thấp cả thành phố nhưng tâm lí học sinh đi thi mà điểm cao chút cũng đỡ ảnh hưởng tâm lý”. Cô Thơm chia sẻ.

Tuy nhiên, vì từng có giai đoạn làm giáo viên ở miền Bắc chuyển vào đây hơn 10 năm, cô Thơm nhận thấy phụ huynh thành phố Hồ Chí Minh ít tạo sức ép tâm lí lên việc thi cử của con em hơn. Và chính điều này khiến học sinh có thêm nhiều cơ hội, lựa chọn khác ngoài con đường học tập.

Những bí kíp học thi giai đoạn "nước" rút hiệu quả

Trong điều kiện học tập bị tác động thời gian dài của dịch bệnh, mỗi giáo viên luyện thi lại có những phương án riêng.

Cô Phạm Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 trường THCS Thành Công, Ba Đình, Hà Nội tổ chức mô hình đôi bạn cùng tiến. Một học sinh học lực tốt sẽ ngồi cạnh một bạn sức học bình thường. Tranh thủ khoảng thời gian trống đầu hoặc giữa buổi học, các đôi bạn sẽ kiểm tra việc làm bài, học bài lẫn nhau. Bạn học tốt sẽ thêm một lần khắc sâu kiến thức, dạng bài đã làm. Các bạn sức học kém hơn buộc phải hoàn thành các yêu cầu căn bản nhất cho kì thi sắp tới.

Thầy Trần Văn Tuấn, giáo viên môn Toán trường Trung cấp nghề Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp cho biết thời gian này vừa phải dạy lại kiến thức học kì I, vừa củng cố ôn luyện.

"Những năm trước tập trung tổng hợp kiến thức và luyện cho học sinh cuối cấp các dạng đề thi. Nhưng năm nay, với khoảng 80% học sinh hổng kiến thức thì công việc trở nên vất vả gấp đôi", thầy Tuấn chia sẻ.

Giải pháp của thầy Tuấn là chia nhóm. Những em trong nhóm 7,8 điểm sẽ phải tiếp tục ôn luyện nội dung căn bản, chắc chắn để trọn vẹn điểm, có thể cố gắng chạm mức hơn 8 hoặc gần 9, không quá tập trung vào mức 9,10 để hoang mang lo lắng.

Với kinh nghiệm nhiều năm luyện thi cho học sinh ở Hà Nội, Th.s Ngữ văn Trần Thị Phương thừa nhận việc học trực tuyến trong thời gian dài bộc lộ những hạn chế. Chỉ một số ít học sinh có khả năng tập trung, việc học online đã rèn cho các em khả năng sáng tạo, tìm tòi, tự giác thì chất lượng không thay đổi. Còn rất nhiều bạn học online rơi vào tình trạng hổng kiến thức nặng do nhiều nguyên nhân như không gian học tập quá ồn, có nhiều việc làm các bạn bị phân tâm hoặc cũng có thể mệt mỏi do nhìn màn hình quá lâu.

Khi học sinh trở lại trường, điểm kiểm tra, điểm khảo sát đã làm bộc lộ những hạn chế quá trình học trực tuyến. Điều này khiến phụ huynh và chính các em, đặc biệt học sinh cuối cấp lo lắng khi kì thi đang đến rất gần. Tìm thầy cô giỏi, trung tâm luyện thi có tiếng, học tăng thời gian, tăng ca là phương án được nhiều gia đình thực hiện.

Tuy nhiên theo cô Phương, việc đưa con em mình đến nhiều lớp ôn luyện với lịch học dày đặc, thậm chí một môn học với nhiều thầy cô sẽ không hiệu quả, khiến các con căng thẳng mệt mỏi. Tác dụng ngược là các con sẽ sợ học, dẫn đến tâm lý muốn buông xuôi.

Với kinh nghiệm luyện thi, cô Trần Phương cho rằng ở giai đoạn nước rút, việc thu xếp lịch học ôn quan trọng giống như việc thu lượm kiến thức. Các bạn học sinh lúc này cần có một thời gian biểu thật rõ như giờ nào học môn gì? Thời gian nào cần giải lao, nghỉ ngơi. Và khi đã xây dựng được thời gian biểu thì cũng cần thực hiện nghiêm túc.

Với những môn đòi hỏi học thuộc lòng nhiều, các bạn học sinh nên sắp xếp thời gian học vào buổi sáng sớm, còn với những môn tính toán thì có thể sắp xếp vào buổi chiều và tối để không mệt mỏi mà vẫn sẽ đạt được hiệu quả cao.

Các bạn học sinh cuối cấp cũng nên có một nhóm học tập của mình. Mỗi nhóm không nên quá đông, khoảng 2,3 bạn cùng lớp và tương đương trình độ để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức hay có những băn khoăn có thể chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau về bài vở và cả động viên nhau những lúc quá mệt mỏi, căng thẳng.

Thứ ba là các bạn học sinh nên tích cực chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Điều gì quá khó hoặc chưa thực sự hiểu, các bạn nên đánh dấu và hỏi giáo viên, tránh trường hợp ngồi suy nghĩ rất lâu mà không thể tìm thấy câu trả lời hoặc bỏ qua.

Thứ tư, các bạn nên ôn tập càng sớm càng tốt. Ví dụ như hôm nay, học bài trên lớp thì tối nên ôn lại luôn, tránh trường hợp lại để lâu mới ôn, vừa mất thời gian và hiệu quả lại không cao.

Cuối cùng, việc luyện thi cần kết hợp giải lao thư giãn hợp lí để tái tạo năng lượng và tinh thần. Có nhiều hình thức vận động tay chân như thể dục nhẹ nhàng, giúp bố mẹ việc nhà. Ngoài ra có thể xem các chương trình giải trí nhẹ nhàng hoặc trong nhiều trường hợp có thể ngủ một giấc ngắn nếu hôm trước thức quá khuya hoặc ngủ quá ít. Giấc ngủ ngắn diễn ra sẽ giúp các bạn cảm thấy giống như tinh thần được giải tỏa và có thể nạp lại kiến thức rất nhanh.

Cô Trần Phương lưu ý tránh trường hợp giải lao bằng chơi điện tử. Việc chơi game giống như các bạn đã bắt não bộ của mình đi từ trạng thái căng thẳng này sang một trạng thái căng thẳng khác và khiến não trạng thêm mệt mỏi.

Trường hợp rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi thái quá, hãy chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn sẽ có được lời khuyên hoặc giải pháp thích hợp ở thời điểm nước rút này.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung