Mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT 2023, hình ảnh phụ huynh Hà Nội thức xuyên đêm chen lấn xô đẩy trước cổng một số trường trung học phổ thông tư thục và công lập tự chủ để có được một suất học cho con em thực sự thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

Tình huống xảy ra khi Hà Nội công bố điểm chuẩn và 33.000 thí sinh không đỗ vào trường THPT công lập.

Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện lần đầu tiên diễn ra ở Thủ đô và cũng không ai dám chắc là trong những năm tiếp theo có chấm dứt được hay không.

Từ câu chuyện 33.000 thí sinh thi trượt THPT công lập ở Hà Nội

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng 33.000 thí sinh không đỗ công lập thực sự tạo áp lực với ngành giáo dục Thủ đô. Nhưng việc phụ huynh đổ xô xếp hàng vào một số trường từ 1 - 2h sáng là chuyện "rất không bình thường".

Để không còn hình ảnh xảy ra gây bức xúc dư luận, việc trước tiên, ngành giáo dục Thủ đô cần tăng cường Công nghệ thông tin, thực hiện đồng bộ việc tuyển sinh trực tuyến, đưa tất cả nội dung tuyển sinh, các bước đăng ký, hoàn thiện hồ sơ lên hệ thống tuyển sinh của các nhà trường. Để làm được điều này, từng trường phải chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và coi đây như giải pháp tạo sự công bằng, giảm những bức xúc của phụ huynh và dư luận.

Ông Nghĩa cho rằng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không sai khi nói không thiếu chỗ học khi chúng ta có hệ thống giáo dục tư thục. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, chi phí theo học tại trường tư thục quá cao so với thu nhập của đại đa số các gia đình.

Trường công lập thuộc hệ thống đơn vị sự nghiệp được nhà nước đầu tư cả về đất đai, xây dựng, đội ngũ giáo viên… Trong khi đó, trường tư thục thuộc về tư nhân, toàn bộ các chi phí vận hành đều phải tự chi dẫn đến học phí cao và do phụ huynh gánh vác.

Về lâu dài, để giảm áp lực cho hệ thống công lập lâu nay bị quá tải bởi áp lực dân cư tăng lên nhanh chóng rất cần có cơ chế cho các trường tư thục. Theo ông Nghĩa cần có một sự thay đổi trong quan điểm, nếu xác định hệ thống trường tư thục là một phần không thể thiếu của giáo dục, đặc biệt xã hội hóa giáo dục nhằm gánh đỡ khó khăn cho các trường công, chúng ta phải có những chính sách ưu đãi và mang tính đặc thù của giáo dục.

Thành phố Hồ Chí Minh, một địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội và cũng bị áp lực rất lớn về lượng khoảng 200.000 người nhập cư với 40.000 học sinh tăng thêm cùng biến động tăng giảm rất lớn nhưng chưa khi nào xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng từ đêm mong kiếm tìm một chỗ học cho con em.

Điều này theo ông Đỗ Chí Nghĩa có lý do từ hệ thống trường tư thục của thành phố Hồ Chí Minh rất phát triển, tập trung cho chất lượng với nhiều phân khúc khác nhau. Bên cạnh đó cũng phải kể đến tâm lý xã hội. Phụ huynh không quá nặng nề tâm lý trường công thì tốt, trường tư dành cho học sinh thi trượt. Thậm chí học sinh chuyển sang học nghề cũng không khiến phụ huynh quá căng thẳng, áp lực. Việc con em lựa chọn và theo đuổi đúng sở trường, năng lực cá nhân quan trọng hơn bằng cấp.

Trong khi đó, Hà Nội ngay trong hệ thống công lập thì đã xảy ra tình trạng chênh lệch cực kỳ lớn. Khu vực nội thành Hà Nội trong mùa tuyển sinh năm 2023 có những trường phải trên 40 điểm các em mới có được một chỗ học ở trong hệ thống trung học phổ thông công lập. Nhưng khu vực ngoại thành, có những trường điểm chuẩn chỉ 16,17 điểm. Nhưng giả sử để các phụ huynh nội thành đưa con em mình ra ngoại thành học để giảm áp lực thi cử cũng như đảm bảo được học công lập sẽ ít phụ huynh chấp nhận. Nguyên nhân không chỉ nằm ở khoảng cách di chuyển quá xa trong ngày mà phần lớn nằm ở vấn đề chất lượng.

Việc nâng chất lượng các trường trên các địa bàn khác nhau của Hà Nội trước mắt còn nhiều khó khăn bởi liên quan đến cùng lúc nhiều vấn đề như đội ngũ giáo viên, nền nếp của mỗi nhà trường… Về điều này theo ông Đỗ Chí Nghĩa, ngành giáo dục cần tạo sự cạnh tranh giữa các nhà trường bằng việc sắp xếp nhân sự trong việc quản lý chất lượng.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần thay đổi tâm lý trong việc hướng nghiệp cho con em “Con cái chúng ta bước vào đời, ngoài việc học ở trường, còn có nhiều cách khác để bổ sung kiến thức cần thiết rồi học những kỹ năng khác để hướng tới đích ra đời vững vàng nhất, thích ứng với hoàn cảnh nhất và phát huy được năng lực cá nhân, không phải cứ học giỏi là đã làm được mọi cái giỏi. Học giỏi rất đáng tôn vinh nhưng mặt khác phải tôn trọng, cá biệt những phẩm chất năng lực của từng con người”, ông Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

Phân luồng không thể cưỡng ép

Việc thắt chặt đầu vào ở bậc THPT công lập còn có mục tiêu phân luồng học sinh rẽ sang học nghề. Tuy nhiên việc dạy học hiện nay mới chỉ hướng mục tiêu luyện thi để học sinh đỗ vào trường THPT thay vì 30% sẽ rẽ sang học nghề một cách chủ động và có lựa chọn phù hợp.

Điều này có thể dễ dàng bắt gặp trong đời sống tâm lý khi nhiều gia đình vẫn nghĩ con đường đại học giống như là việc đương nhiên, còn khi nhắc tới học nghề sẽ “chùng xuống và kém vui hơn”, ông Nghĩa nêu thực tế.

Việc một số trường ép học sinh cam kết từ bỏ đăng kí tham dự kì thi tuyển sinh vào 10 nhằm giảm tỷ lệ thí sinh thi trượt của nhà trường là cách hướng nghiệp phản cảm và gây phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội.

Để phân luồng tốt, theo ông Nghĩa, hệ thống trường nghề phải vươn lên, xứng với thời gian, công sức của học sinh bỏ ra thay vì đào tạo nghề chỉ để lấp vào khoảng thời gian các cháu không được học chương trình phổ thông.

Rõ ràng khi các điều kiện chưa đảm bảo, phụ huynh sẽ không lựa chọn và học nghề chỉ được xem như “bước đường cùng”. Vấn đề mấu chốt trong phân luồng học sinh học nghề nằm ở việc đáp ứng nhu cầu có một công việc để tự tin bước vào đời thay vì ép buộc.

Câu chuyện chọn học nghề theo mô hình 9+ có thể đúng hướng và đáp ứng nguyện vọng với học sinh ở nhiều địa phương khác, đặc biệt địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, với Hà Nội và nhiều thành phố lớn, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nên có thể mô hình này chưa thực sự phù hợp cả về tâm lý phụ huynh học sinh lẫn đòi hỏi yêu cầu về nguồn lao động chất lượng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Làm thế nào hạ nhiệt kỳ thi vào lớp 10?

Về tổng thể cần có những giải pháp để giảm sức nóng cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 của Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung. Việc đầu tư thêm trường lớp thực ra vẫn còn nhiều khó khăn khi đây không phải công việc một mình ngành giáo dục có thể đảm nhiệm bởi còn liên quan đến đất đai, tài sản công, tiền lương, đến biên chế giáo viên, đến quản lý nhân lực giáo dục… Hà Nội cần có một chiến lược mang tính tổng thể và lâu dài.

Theo ông Đỗ Chí Nghĩa, trước tiên, nếu các em học sinh và phụ huynh cần học thì phải mở thêm trường lớp. Hãy tôn trọng quy luật khách quan của thực tiễn. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh đều có kế hoạch để mở thêm trường, vậy làm sao bảo đảm quy hoạch ấy không bị chậm, không bị lệch.

“Giữ những thửa đất đã quy hoạch xây trường không bị đẩy sang chỗ khác, phải giữ đất cho trường học không kém gì giữ đất rừng, đất lúa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ hai phải phân luồng đúng nghĩa theo hướng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp như Chỉ thị 21 của Ban bí thư đã nêu rất rõ các chỉ tiêu định hướng.

Và quan trọng không kém nữa chính ở việc chúng ta phải thay đổi tâm lý xã hội. “Phải thuyết phục bằng thực tế chất lượng thì sự phân luồng mới hiệu quả, bền vững”, ông Nghĩa phân tích thêm.

Mời quý vị bấm nút nghe nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VOV2 cùng PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: