Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022 dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong và ngoài nước với thời gian đăng, xuất bản từ ngày 5/9/2021 đến hết ngày 5/9/2022.

Ban tổ chức sẽ trao các giải thưởng bao gồm 1 giải Đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình.

Tác giả giành giải đặc biệt sẽ nhận 60 triệu đồng cùng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giải Nhất: 30 triệu đồng/giải; Giải Nhì: 15 triệu đồng/giải; Giải Ba: 10 triệu đồng/giải; Giải Khuyến khích: 5 triệu đồng/giải. Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10 triệu đồng.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, ngành Giáo dục trong nhiều năm qua đã thực hiện nhiều chủ trương đổi mới lớn.

Ghi nhận sự đóng góp quan trọng, lớn lao của các nhà báo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí, Thứ trưởng cho rằng ngành Giáo dục sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, từ việc xây dựng các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức triển khai… nếu như không có những hoạt động tuyên truyền định hướng chính sách, phản biện từ các nhà báo, cơ quan thông tấn báo chí.

Các sự kiện giáo dục diễn ra sinh động hàng ngày, nhưng có tác động lâu dài đều đã được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh chân thực, mang lại hiệu quả truyền thông tích cực. Qua đó, các chính sách của ngành đã đến được với học sinh, sinh viên, với phụ huynh học sinh, các nhà trường kịp thời, chính xác. Mỗi nhà báo với các tác phẩm báo chí của mình đã tạo nên cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục

Qua 4 năm tổ chức, Giải đã được đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương, các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên nhiệt tình hưởng ứng, gửi tác phẩm tham gia. Thứ trưởng mong muốn, trong năm thứ 5 tổ chức sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước, nhằm làm lan tỏa hơn nữa những tấm gương, điển hình tiên tiến của ngành giáo dục và tạo được sự hiểu biết, đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bên cạnh tôn vinh những tấm gương “vì sự nghiệp giáo dục”, giải thưởng cũng khuyến khích những phản biện mang tính xây dựng.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban chỉ đạo, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng, cầu thị, mong ước có nhiều bài báo mang tính phản biện để ngành giáo dục nhìn nhận xem xét đánh giá cách toàn diện hơn kỹ hơn và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Chúng ta phải có nhìn nhận đánh giá, tôn trọng những bài báo phản biện chứ không phải chỉ các tác phẩm tô hồng, “mây bay một chiều, chim kêu một giọng”. Tính phát hiện, sự phản biện và những tác phẩm góp phần chống tiêu cực trong ngành giáo dục là những tác phẩm sẽ được tôn vinh trong giải”.

Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên vào ngày 19/11/2022.