Trước cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm trước cổng trường THPT để nộp hồ sơ mong tìm một chỗ học cho con em, anh Trần Đức Giang ở Hà Đông, Hà Nội đã quyết định dành 100 ngày liên tục đăng những ý kiến, quan điểm và hiến kế về giáo dục trên trang cá nhân với mong muốn xã hội, ngành giáo dục nhìn nhận nghiêm túc và có những giải pháp cho vấn đề thiếu trường nổi cộm của giáo dục Hà Nội trong nhiều năm.

Anh Giang bộc bạch rằng bản thân anh trong nhiều năm chứng kiến những bất cập, áp lực không đáng có của kỳ thi nên dù hai con đã qua giai đoạn này, anh vẫn muốn làm một điều gì đó có ích.

Trang Facebook cá nhân của anh gây ấn tượng khi ngay phần ảnh bìa có dòng chữ: “Ủng hộ Hà Nội lập quỹ xây trường cho các con. Các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thay vì ủng hộ trăm tỷ xây chùa hãy chuyển sang quỹ xây trường học. Mỗi phụ huynh bớt vài bữa nhậu góp quỹ xây trường học. Mỗi gia đình hãy tiết kiệm 20% tiền học thêm để góp quỹ xây trường học”.

Theo vị phụ huynh này, chuyện thiếu trường, thiếu lớp ở Thủ đô, đặc biệt khu vực nội thành đã diễn ra âm ỉ từ nhiều năm nhưng chưa được quan tâm và giải quyết triệt để. Cứ đến mùa tuyển sinh lại ồn ào rồi sau đó lắng xuống và tiếp tục rơi vào quên lãng.

Anh Giang cho rằng nếu đổ tại nguyên nhân về không có quỹ đất thực sự chưa thuyết phục và vẫn có những giải pháp để khắc phục, còn chuyện thiếu tiền xây trường chỉ là cái cớ khi mà mỗi gia đình ở thành phố hiện nay đang phải chi trả những khoản phí học thêm khổng lồ cho con em ở độ tuổi phổ thông. Và nếu thành lập quỹ xây trường nhằm đảm bảo đủ chỗ học đảm bảo chất lượng cho con em, anh Giang tin cư dân Hà Nội sẽ không thờ ơ.

Bởi theo lập luận của anh, chi phí xây dựng cơ bản không quá lớn. Phần tốn kém nhất thuộc về việc vận hành hoạt động nhà trường, trả lương cho giáo viên. Anh Giang khẳng định có thể giải quyết được bài toán này bằng việc tăng học phí từ nguồn xã hội hóa. Phụ huynh Hà Nội có lẽ sẽ sẵn sàng đóng thêm một khoản để con em được học tập ở môi trường thuận lợi, an toàn, cơ sở vật chất tốt và giảm bớt áp lực thi cử.

Trong những bài viết hằng ngày, vị phụ huynh này lần lượt trình bày giải pháp trước mắt cho câu chuyện thiếu trường như cho phép dạy học 2 ca/ngày ở các trường phổ thông như trước đây vẫn làm. Riêng điều này đã giúp tăng gấp đôi công suất trường lớp. Sử dụng vật liệu nhẹ để tăng thêm lớp học tại các trường đông dân khu vực nội thành, lương giáo viên hoàn toàn có thể xã hội hóa phần nào...

Ở bài viết khác, anh Giang phân tích những thiệt thòi của học sinh thành phố hiện nay chỉ vì câu chuyện áp lực thi vào lớp 10 mà mất đi cơ hội phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng cuộc sống cần thiết và thay vào đó chỉ biết học, học và học từ trường, nhà thầy cô và các trung tâm dạy thêm.

“Toàn bộ thời gian của trẻ từ khi từ lớp 6 lớp 7 đã bị hút vào guồng quay thi cử, có cháu bắt đầu đi vào các lớp luyện từ sớm. Cả ngày học bán trú ở trường, chiều tối lại đi học thêm trong khi như tôi và nhiều anh em đồng học bây giờ đang đi làm thấy kiến thức phổ thông hiện nay đang bị làm quá lên. Lẽ ra những năm phổ thông chỉ cần chắc kiến thức cơ bản, như kiểu xây nền để sau này có thể học lên đại học hoặc học nghề”, vị phụ huynh tâm huyết với giáo dục chia sẻ.

Thiếu trường theo anh Giang tạo thành sự tốn kém thời gian, tiền bạc cho toàn xã hội khi phần lớn thu nhập của gia đình dùng để trang trải học phí cho các lớp học thêm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của phụ huynh bị dùng cho những lượt đưa đón con em di chuyển khắp thành phố giữa các ca học chính, học thêm, “cả xã hội bị hút vào một cuộc đua không cần thiết”.

Bài khác nữa anh Giang tập trung phân tích những cuộc đua do chính phụ huynh tạo ra và khiến con em mình trở thành những “tay đua” trong cuộc tranh giành thứ hạng. Kết quả sẽ tạo ra những giờ học thêm dài bất tận để có được kết quả cho nhiều kì thi khác ngoài thi vào 10, học sinh thiếu ngủ, học hành nhồi nhét sẽ khiến việc sợ học, học đối phó xuất hiện trong lớp trẻ.

Từng học chuyên Toán ở phổ thông, gia đình nhiều thế hệ công tác trong ngành giáo dục và đủ những trải nghiệm cuộc sống cũng như từ bạn bè, anh Giang khẳng định vẫn sẽ tiếp tục quyết liệt đóng góp ý kiến dẫu nhỏ bé với mong muốn về một sự thay đổi, phần nào giảm đi thực trạng đáng buồn về “những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ, không được vui chơi, không được tự do lựa chọn, không được sống cuộc đời của mình... Chúng bị cuốn vào cuộc đua thi cử... Học nhồi nhét quá nhiều, quá sớm chỉ phục vụ ganh đua thi cử sẽ tạo ra nỗi sợ học và hủy hoại tương lai của nhiều đứa trẻ. Và đó không phải là thực học” .