Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, người tiêu dùng ngày càng đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn cho thực phẩm. Bên cạnh các chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, chất lượng, thì thực phẩm còn phải an toàn. Đối với một doanh nghiệp về thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chính là “chìa khóa” để nâng cao vị thế, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Chính vì vậy, việc đào tạo về ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm là một nhu cầu thiết yếu.

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hương, phó phụ trách Bộ môn Sinh hóa và Quản lý chất lượng thực phẩm, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, vị trí làm việc của ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm rất phong phú, môi trường làm việc đa dạng. Các bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm các vị trí:

- Làm QA (Quality Assurance- Đảm bảo chất lượng), QC (Quality Control- Kiểm soát chất lượng) trong các nhà máy hoạt động về lĩnh vực thực phẩm.

- Làm chuyên gia về phân tích, kiểm tra, tư vấn và xây dựng, công bố các chỉ tiêu chất lượng cho các doanh nghiệp.

- Phụ trách việc giám sát và đảm bảo kiểm soát về ngộ độc thực phẩm trong các cơ quan nhà nước.

- Với những bạn năng động có thể khởi nghiệp bằng việc mở các cửa hàng hoặc là các mô hình kinh doanh nhỏ về thực phẩm.

- Học lên thạc sỹ hoặc tiến sỹ và trong các ngành có liên quan đến lĩnh vực công nghệ thực phẩm hiện nay.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Mai Hương, để theo học ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, trước hết các bạn cần có sự yêu thích và say mê với nghề; Học tốt 1 trong 4 tổ hợp: Toán-Lý- Hóa; Toán- Lý- Anh; Toán- Văn- Anh; Toán- Hóa- Sinh. Đây là các tổ hợp sẽ hỗ trợ cho các bạn có những kiến thức cơ bản, giúp các bạn theo đuổi được ngành nghề.

Ngoài ra, để theo ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm cần tìm tòi, học hỏi các kiến thức về lĩnh vực thực phẩm, lĩnh vực ăn uống cũng như nhạy bén để nắm bắt được tâm lý, sở thích, nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, ngành này đòi hỏi 1 tinh thần trách nhiệm, sự trung thực và khả năng phân tích đánh giá để khi đánh giá và kết luận chất lượng về thực phẩm được đúng và có độ tin cậy cao.

"Với ngành sản xuất thực phẩm hiện tại bây giờ tất cả các nhà máy xí nghiệp đều tập trung ở vùng ngoại thành là chính, với những người ở nội thành di chuyển ra ngoại thành thì quãng đường rất xa, thời gian dành cho gia đình cũng giảm đi một xíu. Tiếp theo đặc thù là sản xuất thường sẽ phải làm 3 ca, làm QC hay làm kỹ thuật vận hành thì chúng ta phải bám chuyền, bám ca, việc làm ca là việc chúng ta phải chấp nhận. Có thể đi sớm về muộn, cái đấy cũng là đặc thù của ngành."

Anh Hoàng Anh, trưởng phòng sản xuất, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tương Lai

"Mình nghĩ đối với những bạn chỉ cần có chút yêu thích trong lĩnh vực thực phẩm, luôn muốn cải tiến quy trình, nếu bạn ý thích ở việc sáng tạo giống như là đưa ra quy trình sản phẩm mới, rồi bạn tỷ mỷ cũng có thể làm được. Nói chung không quá kén, không quá nhiều yêu cầu đối với các bạn nhưng cần sự tỷ mỉ và nhiệt huyết của các bạn trong ngành này."

Chị Đỗ Thu Hương,Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia

"Đây là một ngành rất cần thiết và quan trọng trong ngành công nghệ thực phẩm và muốn học được ngành này không chỉ kiến thức trong chuyên môn mà các em cũng phải học thêm, tìm hiểu thêm 1 số kiến thức ngoài xã hội, rồi một số các chương trình, rồi rất nhiều tài liệu không chỉ tài liệu ở trong tiếng Việt mà một số tài liệu tiếng Anh phục vụ tốt cho công việc các em sau này."

Cô Trần Thị Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp

Cùng khám phá hành trình để trở thành kỹ sư ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm: