Đề thi phân hóa cao để đảm bảo công bằng cho thí sinh

Chiều nay (8/7), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trong cuộc họp, phóng viên nêu câu hỏi: Đề thi năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là phân hóa cao hơn, thậm chí khó hơn năm ngoái. Trong khi trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã thông tin là đề thi sẽ phù hợp với bối cảnh học sinh có thời gian dài học trực tuyến. Phải chăng Bộ GD&ĐT đang định hướng ra đề thi để khuyến khích các trường ĐH sử dụng tuyển sinh?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, nhiều năm nay đề thi đáp ứng yêu cầu đảm bảo ma trận ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Ma trận đã được các thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra đánh giá định kỳ thường xuyên. Vì vậy, việc thiết kế ma trận thi tốt nghiệp nhiều năm qua cũng đã được thực hiện như vậy.

Tương tự như những năm trước, đề thi năm nay chủ yếu chương trình lớp 12. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT lần lượt có công văn hướng dẫn tinh giản chương trình. Đề thi tham khảo và chính thức đều đáp ứng yêu cầu này để HS lớp 10, 11, 12 không phải thi vào nội dung đã tinh giản.

Ông Thành cho rằng, đề thi một mặt đáp ứng yêu cầu này nhưng mặt khác, việc dạy học bối cảnh 3 năm qua trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố là khác nhau. “Trong dịch có tỉnh phải nghỉ dạy trực tuyến nhưng cũng có những nơi thời gian dạy trực tiếp nhiều. Khi HS đi học Bộ có hướng dẫn nhà trường ôn tập từng nhóm đối tượng. Có nơi điều kiện đi học sớm hơn, củng cố kiến thức tốt hơn nhưng cũng có những nơi điều kiện dạy học chưa tốt bằng.

Theo vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, làm đề thi đối tượng thấp hơn sẽ không đảm bảo công bằng cho những em ở nơi đi học sớm hơn.

“Về nguyên tắc đề thi phải đảm bảo như ma trận. Nhìn diện rộng trên một tập lớn toàn quốc sau này sẽ thấy kết quả nhưng chúng tôi cho rằng với nhận xét của thí sinh của thầy cô giáo mức độ như vậy để đảm bảo được sự phân hóa.

Đây không phải vấn đề lấy kết quả tuyển sinh. Việc thi tốt nghiệp còn mục đích nữa là đánh giá được quá trình dạy và học. Căn cứ kết quả trong đó sẽ phân tích được dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới quá trình dạy và học như thế nào”.

Cùng theo ông Thành, nếu căn cứ vào học sinh mà giảm mức độ đề xuống thì không công bằng cho những thí sinh học tốt hơn khi nhiều em trình độ khác nhau có thể cùng đạt điểm tối đa.

Điểm mới trong công tác chấm thi 2022

TS. Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, công tác chấm thi sẽ tiến hành, thực hiện như 2021 nhưng có một số điểm mới mà Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn kỹ các địa phương.

Chấm thi tự luận và trắc nghiệm theo đúng quy chế với sự hỗ trợ của các phần mềm do bộ GD&ĐT cũng cấp. Về làm phách, địa phương quyết định làm 1 vòng hay 2 vòng nhưng đều phải quán triệt bảo mật cao hơn.

Điện thoại vòng ngoài như những năm trước bật có loa ngoài, năm nay điện thoại vòng ngoài khu vực làm phách phải có thêm thiết bị để ghi âm tất cả cuộc gọi và mở loa ngoài ghi biên bản kỹ.

Năm nay có 18 thí sinh F0 dự thi, trong công văn hướng dẫn thi yêu cầu hội đồng thi đặc biệt lưu ý, rút những bài thi về những phòng thi riêng về chỗ cũ rồi mới chấm.

Đánh giá công tác tổ chức thi 2 ngày qua, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định kỳ thi đã diễn ra an toàn khách quan, đúng chất lượng.

Thứ trưởng nhấn mạnh những công việc liên quan đến quy chế đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Năm nay, Bộ đặc biệt quan tâm đến gian lận thi cử công nghệ cao, phòng chống COVID-19, hỗ trợ học sinh khó khăn tại các điểm thi, rà soát hết nhu cầu các em cần hỗ trợ có sự tham gia đoàn thanh niên, đưa đón đến trường thi, một số tỉnh hỗ trợ hơn 4.000 suất ăn trưa, thể hiện trách nhiệm xã hội chăm lo cho kỳ thi.

“Cho đến giờ phút này mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định./.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, lần đầu tiên áp dụng quy định nơi để đồ của thí sinh cách phòng thi 25m theo khuyến cáo của Bộ Công an và rút kinh nghiệm từ những năm trước. Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định này sẽ triệt tiêu được những người có ý định sử dụng thiết bị công nghệ cao gian lận thi cử. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và Bộ công an sẽ phối hợp để có những biện pháp tích cực hơn ngăn ngừa tối đa vi phạm, đặc biệt vi phạm công nghệ cao.

Trước phản ánh của phóng viên tại điểm thi huyện Phúc Thọ, Hà Nội không ai trông coi thiết bị thí sinh, ông Phong cho biết sẽ liên hệ hội đồng thi điểm thi này để trao đổi cụ thể. “Bởi vì không có chỗ trông coi mà mang điện thoại vào phòng thi không chấp nhận được”.