Nghị định 60/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh liên quan đến phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm.

Theo đó, việc hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm bằng hình thức dự toán theo phân cấp ngân sách. Trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên, cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng cho cơ sở đào tạo trực thuộc.

Với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao dự toán thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, trước ngày 30 tháng 12 hằng năm căn cứ vào Giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành giáo dục của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú rà soát, theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.

Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.

Trong thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí, sinh viên nộp tiền bồi hoàn cho cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ) theo quy định.

Trường hợp sinh viên chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Cũng tại Nghị định 60/2025/NĐ-CP, sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí, nếu thuộc đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn; nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ sẽ được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí tương ứng.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền bồi hoàn kinh phí của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nộp trả kinh phí vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/0/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Sinh viên sư phạm không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.

Đảm bảo tất cả các sinh viên sư phạm đều được hưởng chính sách

Nghị định số 60 cũng bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó “Ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2024 - 2025 theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng cho từng thời kỳ”.

Quy định này khắc phục tình trạng một số địa phương không cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019. Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm Để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 116, đảm bảo hướng dẫn đúng quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019 và thực thi chính sách hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.

Theo Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như: số lượng thí sinh và phụ huynh học sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên; tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh đặt trong tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác; nâng cao chất lượng giáo viên.

Tuy nhiên quá trình triển khai Nghị định 116 đã phát sinh một số vướng mắc như: các địa phương cam kết đặt hàng nhưng không thực hiện, dẫn đến chậm chi trả kinh phí; quy định đấu thầu đào tạo giáo viên chưa có hướng dẫn cụ thể; một số địa phương khó khăn, không đủ kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đang theo học; việc đào tạo sinh viên sư phạm và việc tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường vào ngành giáo dục chưa đồng bộ; việc theo dõi bồi hoàn kinh phí chưa có hướng dẫn chi tiết...