“Nhớ bữa cơm mẹ nấu, nhớ những lúc quây quần bên gia đình”
Khi chia tay mẹ ở bến xe để mẹ trở về quê còn mình ở lại Hà Nội học đại học, Hải Thi, sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khóc rất nhiều.
“Rất là nhớ nhà tại vì đây là lần đầu tiên bọn em phải rời xa gia đình, rời xa cái mái ấm mình đã gắn bó bao nhiêu lâu. Rất là nhớ, thực sự không thể tả được luôn, cảm giác như nó trống vắng một cái gì”, Hải Thi chia sẻ.
Với quãng đường gần 200 cây số, Hải Thi tiếc rằng mình không thể về nhà thường xuyên để được vỗ về trong ngôi nhà thân thuộc. Cách duy nhất để em giải tỏa nỗi nhớ là mỗi tối dành thời gian gọi điện về nhà. “Nhưng dù thế nào cũng thể bằng được việc trực tiếp được ăn bữa cơm mẹ nấu, được nằm ngủ trên chiếc giương thân quen”.
Còn Thùy Chi, quê ở Sơn Tây chia sẻ, em không ngờ rằng khi lên Hà Nội, bỗng nhiên nỗi nhớ nhà lại trỗi dậy lớn đến thế khi bình thường em không phải là người quá gần gũi và thường xuyên tâm sự cùng bố mẹ. Giờ đây, chỉ nhìn thấy cả nhà qua màn hình điện thoại, một cảm giác nhớ nhung đến lạ thường.
Hiện giờ đã là những sinh viên năm cuối nhưng Nguyễn Duy Sơn và Nguyễn Trang Anh, Trường Đại học Thủy lợi cũng bồi hồi khi nhớ về tâm trạng của mình cách đây 4 năm. Với tính cách mạnh mẽ và hướng ngoại, sau những háo hức, niềm vui ban đầu khi đỗ đại học, được lên thành phố, được khám phá cuộc sống mới, được tự do, nhưng rồi sau đó vài tháng, những sinh viên mạnh mẽ đó cũng bắt đầu nhớ nhà.
Trang Anh chia sẻ câu chuyện của một người bạn thân, dù quê ở Hải Phòng cách Hà Nội hơn 100 cây số nhưng tuần nào người bạn đó cũng tự phóng xe máy về nhà, bất chấp quãng đường xa, bất chấp bản thân là con gái chân yếu tay mềm. Tất cả chỉ vì một ngày cuối tuần được ở bên bố mẹ.
Nhớ nhà - một cảm xúc mà tân sinh viên nào cũng phải trải qua khi rời xa vòng tay bố mẹ để bước vào con đường học vấn nơi thành phố xa xôi.
Chuyển hóa nỗi nhớ nhà thành động lực
Duy Sơn chia sẻ, mỗi khi nhớ nhà, cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, em call video về cho gia đình. Bên cạnh đó, Duy Sơn khuyên các em tân sinh viên, hãy làm quen với nhiều bạn bè mới, hãy mở rộng mối quan hệ của mình bằng cách tham gia các sự kiện, các câu lạc bộ trong trường, trong hội sinh viên… từ đó bản thân cũng sẽ trau dồi thêm được nhiều kỹ năng. Khi sự tập trung, sự chú ý dồn vào những hoạt động tích cực thì nỗi nhớ nhà cũng sẽ vơi đi.
Còn với kinh nghiệm của mình, theo Trang Anh, các em sinh viên năm nhất nên học thêm những kỹ năng mới như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…bằng cách tham gia vào các lớp học hay tổ chức nào đó.
Nhớ người thân, mong muốn được nhà ở để phụ giúp bố mẹ công việc nhà, đây là điều dễ hiểu. Nhưng theo Trang Anh, hãy biến nỗi nhớ nhà ấy thành động lực để có thể theo đuổi ước mơ học vấn của mình. “Nếu cố gắng, chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức, chúng ta có thể giúp đỡ bố mẹ trên nhiều phương diện khác”.
Thực tế hơn, Duy Sơn chia sẻ, nếu nhớ nhà hãy cố gắng học thật tốt, không để bị trượt môn vì trượt môn đồng nghĩa với việc bạn sẻ phải đi học thêm, đi thi lại, sẽ mất đi khoảng thời gian quý báu có thể về nhà.
Theo Duy Sơn, những lúc nhớ nhà quá mà chưa thể về, hãy chuyển hóa cảm xúc đang trào dâng đó thành nguồn năng lượng để phát triển bản thân, học tập tốt, trau dồi kỹ năng mới để khi trở về nhà, bố mẹ thấy được một phiên bản hoàn hảo hơn của chúng ta, lúc đó chắc chắn bố mẹ sẽ thấy rất hạnh phúc và tự hào.
Không chỉ tân sinh viên mà bất cứ bạn trẻ nào khi xa nhà đều có những phút giây nhớ đến bố mẹ, nhớ những hình ảnh thân thuộc nơi quê nhà, nhớ những ngày được chăm chút từ những điều bé nhỏ nhất. Nhưng rồi ai cũng phải trưởng thành, vì vậy hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt, kết nối thêm nhiều mối quan hệ và cố gắng trau dồi rèn luyện mỗi ngày, biến ước mơ thành sự thật - Nỗi nhớ sẽ luôn tồn tại nhưng không hề uổng phí.
Các bạn tân sinh viên cùng nghe bí quyết với đi nỗi nhớ nhà của Duy Sơn và Trang Anh: