Trong chuyến công tác tại Trung Quốc, ngày 10/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn cán bộ ngành giáo dục Việt Nam đã tới thăm và làm việc với Đại học Thanh Hoa.
Tiếp đón và làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT Việt Nam có ông Khưu Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thanh Hoa, cùng đại diện Ban giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị của Đại học Thanh Hoa.
Ông Khưu Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thanh Hoa chia sẻ, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ khăng khít, thân thiết và sự hợp tác hiệu quả về giáo dục và đào tạo với vai trò quan trọng của hợp tác giáo dục đại học. Trong đó, Đại học Thanh Hoa đã có nhiều quan hệ hợp tác giáo dục quan trọng, ý nghĩa với các đại học Việt Nam.
“Chúng tôi đã có mối quan hệ hợp tác tốt với các đại học hàng đầu ở Việt Nam và mối quan hệ hợp tác này cần được duy trì, phát triển. Trước mắt, cần thống nhất triển khai diễn đàn hợp tác giáo dục thường niên giữa Đại học Thanh Hoa với các đại học khác của Việt Nam, đặc biệt là Đại học Quốc gia Hà Nội”, ông Khưu Dũng nói.
Hiện tại, 100% sinh viên đến từ Việt Nam học ở Đại học Thanh Hoa đều đang được cấp học bổng; ngoài học bổng từ nhà nước, còn có học bổng từ thành phố Bắc Kinh và của Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, ông Khưu Dũng mong muốn tăng cường cấp thêm học bổng cho học sinh, sinh viên đến từ Việt Nam, mở rộng giao lưu hợp tác với các đại học ở Việt Nam trong các lĩnh vực mới, tiên tiến như lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Cũng theo ông Khưu Dũng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và thực hiện tốt các ký kết hợp tác giáo dục đại học giữa 2 nước.
Chia sẻ ấn tượng với các thành tựu của Đại học Thanh Hoa với lịch sử 110 năm, cũng như những thành tựu về đào tạo đội ngũ nhân lực tinh hoa và nghiên cứu khoa học của nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Đại học Thanh Hoa tiếp tục tăng hạng trong nhóm các đại học hàng đầu thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện đến nay đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực, bao gồm giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở Hiệp định hợp tác Giáo dục được ký kết giữa hai Chính phủ, hoạt động hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng và phát triển, nội dung hợp tác ngày càng phong phú, đa dạng và là kim chỉ nam cho các địa phương và các trường đại học triển khai chương trình hợp tác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hai bên đã thống nhất cao cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giáo dục ở tất cả các cấp, để đến năm 2025 hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước sẽ thực sự có chiều sâu. Thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, phù hợp với khẳng định về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc trong tình hình mới của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ.
“Chúng tôi thống nhất dự kiến thành lập các diễn đàn giáo dục luân phiên thường niên hàng năm giữa các đại học của hai nước theo chủ đề từng năm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Bộ trưởng cũng đề nghị Đại học Thanh Hoa hỗ trợ đào tạo nhân tài cho Việt Nam ở các lĩnh vực mà Đại học Thanh Hoa có thế mạnh, gồm cả các lĩnh vực AI, công nghệ, kỹ thuật, các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Ưu tiên nhận du học sinh Việt Nam sang học ở môi trường nhiều du học sinh mơ ước, tăng cường giao lưu giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên. Có chính sách cấp học bổng cho công dân Việt Nam sang học những ngành mà Đại học Thanh Hoa có thế mạnh và Việt Nam đang rất cần cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Khoa học môi trường, Kỹ thuật cầu đường, Kỹ thuật công nghiệp, Điện tử Thông tin, Công nghệ sinh học, Toán và Toán ứng dụng. Đại học Thanh Hoa xem xét khả năng liên kết đào tạo hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để hỗ trợ đào tạo tại chỗ nhân lực trình độ cao cho Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các đại học: quản lý phát triển, tầm nhìn, định hướng. Lập các chương trình đào tạo liên kết giữa Đại học Thanh Hoa và các trường đại học ở Việt Nam…
Đại học Thanh Hoa được thành lập năm 1911, nằm ở phía Tây Bắc của Bắc Kinh. Trường nằm trong số các đại học có khuôn viên đẹp nhất thế giới và nổi tiếng về đào tạo chất lượng cao tại Trung Quốc và luôn nằm trong số các trường có thứ hạng cao của các bảng xếp hạng các trường đại học danh giá nhất châu Á và thế giới.
Hiện nay, Đại học Thanh hoa có 14 trường trực thuộc và 56 khoa chuyên ngành đào tạo về khoa học, kỹ thuật, nhân văn, luật, y học, lịch sử, triết học, kinh tế, quản lý, giáo dục và nghệ thuật. Với hơn 25.900 sinh viên trong đó 13.100 sinh viên đại học và 12.800 sinh viên sau đại học.
Không chỉ là trung tâm giáo dục đào tạo, Đại học Thanh Hoa còn là trung tâm nghiên cứu khoa học quan trọng của quốc gia, gồm có 1 Trung tâm nghiên cứu quốc gia, 18 Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 15 Trung tâm nghiên cứu công trình quốc gia, 15 Phòng thí nghiệm trọng điểm Bộ Giáo dục, 19 Phòng thí nghiệm trọng điểm thành phố Bắc Kinh.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, ngày 11/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tới thăm, làm việc với Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.
Giới thiệu về Trường ĐH Giao thông Thượng Hải, ông Dương Chấn Bân Bí thư Đảng ủy cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải rất nhanh và đây là một trong số những ĐH hàng đầu của Trung Quốc, có vị trí xếp hạng cao trên thế giới. Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là các kết quả hợp tác giáo dục ĐH.
“Con đường giao lưu hợp tác giáo dục với các nước là một trong những định hướng chính nhà trường đang hướng đến trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam”, chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về định hướng này, ông Dương Chấn Bân mong muốn tăng cường hơn nữa thu hút học sinh từ Việt Nam đến theo học tại trường.
“Chúng tôi không chỉ có thế mạnh đào tạo về giao thông mà còn có thế mạnh về nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, như công thương, y học, công nghệ giáo dục, kiến trúc hàng hải, số hóa... Là một trong những trường có thế mạnh về số hóa trong giáo dục, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), chúng tôi đang nghiên cứu để giáo viên và sinh viên có thể ứng dụng AI vào giảng dạy và học tập.
Trong tương lai, chúng tôi mong muốn hợp tác với các ĐH Việt Nam, thông qua giao lưu học thuật để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước. Chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều không gian hợp tác với các ĐH Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực số hóa trong giáo dục nói chung và số hóa trong lĩnh vực giáo dục ĐH”, Bí thư Đảng ủy ĐH Giao thông Thượng Hải chia sẻ.
Cảm ơn ông Dương Chấn Bân và lãnh đạo Trường ĐH Giao thông Thượng Hải đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác Bộ GD&ĐT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Đây là lần thứ hai đến thăm Trường ĐH Giao thông Thượng Hải và rất ấn tượng với thành tựu của nhà trường qua việc đã đào tạo đội ngũ nhân lực tinh hoa cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gồm hơn 300.000 sinh viên xuất sắc thuộc nhóm chính trị gia, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học…
Nhà trường cũng đã tạo ra nhiều cái "đầu tiên" trong lịch sử phát triển hiện đại của Trung Quốc như động cơ diesel đầu tiên, động cơ điện đầu tiên, máy đánh chữ đầu tiên, con tàu 10.000 tấn đầu tiên…
Thông tin về mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng sâu sắc trên các lĩnh vực, bao gồm giáo dục và đào tạo; thông tin về cuộc làm việc trước đó với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc với nhiều thống nhất về nội dung hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn và đề nghị Trường ĐH Giao thông Thượng Hải sẽ tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, cụ thể là Trường ĐH Giao thông vận tải và Trường ĐH Xây dựng.Bộ trưởng mong muốn 2 trường ĐH của Việt Nam sẽ thiết lập được quan hệ hợp tác với Trường ĐH Giao thông Thượng Hải trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đào tạo về đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.
Trường ĐH Giao thông Thượng Hải sẽ chia sẻ với các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam về kinh nghiệm tổ chức, quản lý, phát triển nhà trường trở thành trường ĐH đẳng cấp thế giới, về việc bồi dưỡng nhân tài, tổ chức đào tạo, nghiên cứu, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ triển khai các đại dự án về đường sắt tốc độ cao. Đề nghị Trường ĐH Giao thông Thượng Hải hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và các lĩnh vực có liên quan. Đồng thời, ưu tiên dành các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân tài cho tương lai, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ các ngành công nghệ, kỹ thuật mà trường có thế mạnh” - chia sẻ điều này, Bộ trưởng đồng thời đề nghị Trường ĐH Giao thông Vận tải và Trường ĐH Xây dựng theo kế hoạch phát triển sẽ chủ động đề xuất ưu tiên hợp tác với Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.
“Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành và hỗ trợ các trường thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiệu quả và thiết thực”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.