Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 11/11 sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Quốc hội chuyển sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề Giáo dục-Đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trực tiếp đăng đàn để trả lời những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm với trọng tâm là tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, việc đảm bảo chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19; Vấn đề công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; Việc giảm tải chương trình học cho học sinh…

Không được phép dạy thêm trực tuyến

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH Kon Tum) đặt câu hỏi: Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để giải quyết bài toán dạy văn mẫu trong trường học hiện nay?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, môn Ngữ Văn cũng như môn tiếng Việt ở bậc tiểu học là những môn học giúp cho việc bồi đắp tình cảm, năng lực, thẩm mỹ cho học sinh. Việc trang bị ngoại ngữ cho học sinh rất cần thiết nhưng trước khi giỏi ngoại ngữ thì học sinh cần phải giỏi tiếng Việt. Do vậy môn Ngữ văn là môn học đặc biệt quan trọng và cần phải chấm dứt việc dạy, học theo văn mẫu.

“Việc giáo viên đọc cho học sinh chép là một điều tai hại. Không phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính chân thực, chân thành của học sinh. Không được đọc cho học sinh chép theo văn mẫu là việc ngành sẽ có nhiều giải pháp để điều chỉnh. Trong đó có cả việc điều chỉnh kiểm tra, đánh giá, biên soạn học liệu… Tuy nhiên, đây cũng là việc làm lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Hy Thái (Đoàn ĐBQH Bạc Liêu) về hiện tượng dạy thêm trực tuyến trong mùa dịch, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chấm dứt việc dạy học theo văn mẫu cũng góp phần chấm dứt dạy thêm, học thêm.

Đối với hiện tượng dạy thêm, học thêm trực tuyến mùa dịch, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc dạy thêm, học thêm là việc Ngành đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, nghiêm cấm. Dạy thêm, học thêm đã nghiêm cấm thì dạy thêm, học thêm trực tuyến càng phải lên án.

“Thông tư 09 ngày 30/3/2021 về dạy và học trực tuyến do Bộ GD-ĐT đã có những quy định cụ thể về số giờ được dạy trực tuyến. Trước hiện tượng học sinh học quá giờ quy định, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra để có đầy đủ căn cứ ngăn chặn việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Dạy trực tuyến khó lòng đáp ứng như dạy trực tiếp

Một vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề Giáo dục-Đào tạo đó là chất lượng dạy, học trực tuyến; về việc thiếu hụt các kỹ năng khi học sinh phải học trực tuyến quá dài… Đây là những câu hỏi được các đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH Vĩnh Long), Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đặt ra.

Về vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực Giáo dục khi đến nay vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình.

Đặc biệt, trong giáo dục phổ thông, nhất là chương trình phổ thông năm 2018 yêu cầu rất cao về các kỹ năng mà những kỹ năng chỉ có thể hình thành thông qua hoạt động trực tiếp, tiếp xúc, trực quan, thực hành.

“Dạy trực tuyến khó lòng đáp ứng được chất lượng như dạy học trực tiếp. Do vậy nếu như học sinh trở lại trường thì một trong những điều cần phải củng cố cho học sinh là việc trang bị các kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên điều này cũng có cần có sự phối hợp của gia đình, cha mẹ”, Bộ trưởng khẳng định.

Trước tình hình dịch bệnh dự báo vẫn phức tạp và để đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, điều quan trọng là phải tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, tiếp tục củng cố, sản xuất các bài giảng trên truyền hình…

Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát để các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các văn bản, thông tư hướng dẫn của Bộ và Bộ cũng đang tiến hành xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh gia định kỳ khi học sinh học khi bắt buộc phải học trực tuyến kéo dài.

Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng biên soạn Sách giáo khoa

Về chất lượng SGK, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) có đặt câu hỏi: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT thế nào khi cử tri phản ánh trong các Bộ sách giáo khoa (SGK) Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của NXB Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục?”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian vừa qua khi dư luận có ý kiến về nội dung một số bài trong SGK Ngữ văn không phù hợp, Hội đồng chuyên môn và Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với các tác giả và tiến hành kịp thời việc điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi sách được in, chuyển đến tay cho học sinh.

Tuy nhiên, về lâu dài Bộ sẽ có những điều chỉnh về quy trình, điều kiện biên soạn để đảm bảo chất lượng SGK ngày một tốt hơn.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về chất lượng biên soạn SGK, đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) tranh luận, sách sai thì học sinh đã mua rồi. Vấn đề dư luận đặt ra là cần có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm, kịp thời từ phía Bộ GD-ĐT. Tập thể tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận. Đặc biệt, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định SGK đến đâu? Đây cũng là điều đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn ĐBQH Bình Dương) nêu ra khi đặt câu hỏi chất vấn.

Trao đổi với các đại biểu Quốc hội về chất lượng biên soạn SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để có được một bộ SGK chất lượng cần có rất nhiều yếu tố. Trong đó người biên soạn là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất.

Sau đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến của chuyên môn… Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đang ráo riết thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc sửa đổi Thông tư 33 quy định về việc biên soạn, thẩm định, xuất bản SGK. Văn bản này đang lấy ý kiến dư luận. Trong đó chủ trương là không đợi các tác giả, các nhóm tác giả, các NXB mang bản mẫu đến để Bộ tổ chức thẩm định mà Bộ GD-ĐT có chủ trương giám sát, đồng hành với các nhóm tác giả ngay từ đầu.

“Mặc dù xã hội hóa nhưng cần có một sự giám sát toàn bộ quá trình và sự đồng hành của lực lượng quản lý chứ không chỉ phó thác cho các NXB và các nhóm tác giả. Bộ GD-ĐT nâng cao các yêu cầu, tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chí các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định SGK sẽ được điều chỉnh. Ngoài ra, những người tham gia biên soạn SGK sẽ không tham gia Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định cũng sẽ được ghi tên vào trong các cuốn SGK để cùng chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.