Phương thức thi nào cũng cần phải đặt lợi ích của thí sinh lên đầu tiên. Vậy với kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thí sinh sẽ được lợi như thế nào? Và các trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực có gặp khó khăn gì trong công tác xét tuyển hay không? Về vấn đề này, phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, năm nay với tinh thần tự chủ tuyển sinh, các trường cũng rất quan tâm tới bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ông có thể cho biết nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào để chia sẻ kết quả của bài thi này giúp hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh?

PGS Nguyễn Hoàng Hải: Chúng ta đều biết từ khi Luật Giáo dục Đại học ra đời, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng nghĩa là để đánh giá tốt nghiệp hệ THPT, thành ra yêu cầu liên quan đến xét tuyển ĐH thì nó sẽ khó khăn hơn đặc biệt đối với những trường có mức độ cạnh tranh cao. Mà quyền này là của ĐH và các trường ĐH rồi nên chắc chắn các trường ĐH phải quyết định việc này. Chính vì vậy mà ĐHQG HN từ lâu đã chuẩn bị kỳ thi đánh giá năng lực. Và đặc biệt năm 2021, mặc dù có dịch bệnh Covid-19, mới chỉ có khoảng hơn 1.000 thí sinh nhưng cũng đã đủ một số lượng tương đối lớn để có thể đánh giá được kỳ thi này có tính công bằng minh bạch, có tính phân loại rất tốt.

Năm 2022, ĐHQG Hà Nội sẽ tăng mục tiêu ở kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh và sẵn sàng chia sẻ với các đơn vị khác. Đề thi được kiểm tra và bổ sung rất nhiều và được rà soát kĩ, cập nhật những kiến thức mới. Thứ 2 là chúng tôi rà soát quy trình. Chúng tôi cũng đã xây dựng quy trình tương đối chặt chẽ từ bảo mật đến huấn luyện tập huấn cán bộ, cho đến quy trình của từng bước. Vừa rồi Trung tâm khảo thí tự họ đã xác lập được quy trình thử thi khoảng 2 lần, sắp tới trước khi thi chính thức chúng tôi sẽ tập huấn thêm một lần nữa. Trong lần tập huấn đó sẽ mời những đơn vị có ý định phối hợp với ĐHQG. Nếu dịch bệnh không quá phức tạp thì kỳ thi của ĐHQG Hà Nội có thể đáp ứng đúng kế hoạch, đáp ứng được hơn 70 ngàn thí sinh.

PV: Trong hội nghị “Khai thác sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông phục vụ tuyển sinh Đại học" do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, có rất nhiều đơn vị đặt niềm tin vào chất lượng của đề thi Đánh giá năng lực tuyển sinh của ĐHQG. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại trong tuyển sinh khi mà sử dụng kết quả thì quá trình lọc ảo như thế nào nếu bài thi có nhiều trường sử dụng thì lại trở thành khó khăn ngược cho các trường. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Thứ nhất chúng ta thấy ngoài việc tổ chức thi thì lọc ảo là cái khó nhất ở trong công tác tuyển sinh. Nhưng mà chúng ta cũng thấy trong những kỳ thi trước nó đều có đặc tính và điểm khác biệt là thi một lần sau đó xét tuyển một lần. Dẫn đến chúng ta phải tối ưu hoá và cùng nhau xét tuyển vì chỉ có một lần thôi. Có nước nào trên thế giới xét tuyển như Việt Nam không? Không, vì xu hướng của họ là xét tuyển dài, có những nước xét tuyển đến cả năm. Đấy là cách mà ĐHQG Hà Nội đang muốn tiếp cận. Chính vì vậy, chúng tôi tổ chức thi sớm, đầu tháng 2 đã thi rồi thì có thể đến tháng 4 là xét tuyển được rồi. Những trường hàng đầu thì có thể cân nhắc điểm đấy để xét tuyển gọi một số thí sinh nào đó. Nếu như mà gọi không đủ thì tháng 5 lại gọi tiếp, rồi đến tháng 6…. cho đến khi đủ thí sinh thì thôi. Cơ hội thì kéo dài gần nửa năm như vậy, theo tôi những ngành hot, trường hot sẽ xét tuyển trước, họ sẽ gọi một số thí sinh nào đấy và đến khi họ đầy mới đến các trường khác … Như vậy nó tự động sắp xếp, như vậy có 2 yêu cầu đối với đề thi. Thứ nhất là yêu cầu về chuẩn hoá, lần này thi điểm phải giống lần trước, chứ không thể lần này thi điểm khác lần trước. Thứ hai là thời gian xét tuyển dài. Các nước khác xét tuyển hàng năm, ĐH QG Hà Nội xét tuyển nửa năm.

PV: Mục tiêu cho kỳ thi là dành sự tối ưu hóa cho thí sinh nếu nhiều trường sử dụng kết quả thi ĐGNL cũng như phương thức tổ chức thi thành nhiều lần, xét tuyển thành nhiều đợt thí sinh sẽ được lợi gì khi chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả bài thi ĐGNL ?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải: Đối với thí sinh, lợi hay không tùy thuộc vào từng cá nhân nhưng cái quan trọng nhất đối với thí sinh và phụ huynh là sự công bằng. Do trước đây chúng ta xét có 1 lần dẫn đến phải xử lý rất nhiều việc. Bây giờ có thêm kết quả thi này các em có thêm sự lựa chọn thuận lợi không phải chờ đến giờ G nào đấy và tìm mọi cách để thi. Lần này không thi thì lần sau thi, không thi chỗ này thì thi chỗ khác, quá trình đó kéo dài cả năm, có thời gian dài để các em lựa chọn, và có cơ hội thay đổi… Tất cả những điều đó đều có lợi cho thí sinh.

PV: Xin cảm ơn ông !