Chuyện ở lớp ôn thi năng khiếu
Ngay cổng trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đường Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội, không khó để tìm được lớp vẽ của thầy Nguyễn Văn Đông.
Hai tấm trải lớn chạy dọc lớp, học viên ngồi bệt dưới đất, có em kê cao để ngồi, mỗi bạn một giá vẽ riêng, xung quanh la liệt hộp màu, mắt dịch chuyển giữa hình mẫu trên điện thoại sang giấy vẽ, chăm chú và lặng yên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đông đi lại giữa các học viên, nhìn ngắm, chỉnh sửa, hướng dẫn cho từng bài.
Hoàng Minh Thảo, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội là một học viên của lớp, em mê vẽ từ bé. Lớp 6 đánh dấu thời điểm bạn học và theo đuổi một cách nghiêm túc. Thảo dự kiến sẽ thi trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa Sơn dầu. Việc học song song cả văn hóa ở trường phổ thông với học và luyện năng khiếu khá vất vả nhưng em không bỏ cuộc bởi đã có những định hướng công việc làm minh họa sách hoặc truyện tranh rất cụ thể, rõ ràng.
Để đạt được mục tiêu vào được trường đại học và ngành học yêu thích, Thảo tính toán chiến lược học thi rõ ràng.
Ngô Quốc Huy, một học viên đang mải miết pha trộn màu rất tự nhiên khi kể chuyện cá nhân. Huy quê ở Thái Bình, sinh năm 2003. Đang học năm thứ nhất một trường đại học ở Hà Nội, Huy xin bảo lưu kết quả để luyện thi với mục tiêu mùa thi này sẽ đăng kí ở dạng thí sinh tự do vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
“Nếu cứ học một trường nhàng nhàng rồi không đủ đam mê thì thà bỏ đi một hai năm để thi vào trường đúng với mong muốn sẽ tốt hơn nhiều. Bố mẹ em ủng hộ, không tính toán nhiều về tiền bạc hay thời gian. Em ở trọ gần đây để tiện sang đi học ôn mỗi tuần vài buổi”, Huy tâm sự.
Gần hai mươi học viên của buổi học không cùng trình độ, lứa tuổi. Có em đang là học sinh các khối lớp THPT, em khác là thí sinh tự do. Lớp học mở hầu như tất cả các buổi sáng, chiều trong tuần để tiện buổi nào, học viên chủ động tham gia buổi học đó. Thường học sinh phổ thông chỉ có thể tập trung học và luyện vào hai ngày cuối tuần.
Lớp học và ôn thi của thầy Đông có cả học viên đến từ các tỉnh xa. Thí sinh tự do thường sẽ thuê hẳn nhà trọ gần lớp để tiện theo học. Còn các bạn khối THPT sẽ chọn cách lên Hà Nội tham dự lớp học vào cuối tuần.
“Các em từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên lên học nhiều lắm. Ở các tỉnh cũng có lớp vẽ nhưng vì ít tính cạnh tranh nên hiệu quả không cao, chưa kể việc nắm bắt dạng bài thi của từng trường cũng khó khăn hơn”, thầy Đông kể.
Cũng từ kinh nghiệm luyện thi, thầy Đông nhận thấy những thay đổi rõ rệt trong tư duy của phụ huynh. Từ chỗ định hướng con em chỉ hướng đến các khối ngành mang tính phổ thông, họ đã đồng ý cũng như chấp nhận đầu tư tài chính cho mong muốn, khả năng theo đuổi các trường năng khiếu của con em.
Để theo đuổi học và thi vào các trường tuyển sinh có môn vẽ theo thầy Đông thí sinh cần bắt đầu từ sớm. Bên cạnh năng khiếu cá nhân, học viên cần được hướng dẫn bài bản từ cuối cấp THCS hay bắt đầu THPT.
“Mình cũng có kinh nghiệm luyện thi rồi, mỗi trường tổ chức sẽ có những form mẫu riêng, ví dụ như trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp thiên về hình khối, hình học cơ bản. Còn như Cao đẳng Sư phạm trung ương, Đại học Mở Hà Nội tính cách điệu không cao mà theo hướng hơi giống thật một chút, trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam lại mang tính hội họa...”, thầy Đông phân tích.
Hai tiếng rưỡi mỗi buổi học, cần mẫn, âm thầm nắn từng nét bút, chỉnh từng gam màu..., học viên ở lớp học và luyện thi vẽ đang dần vẽ nên ước mơ nghề nghiệp bằng sự trưởng thành hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa trong việc xác định được ngôi trường cũng như công việc trong tương lai không xa.
Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT đang trên hành trình vượt khó
Sau khi điều chỉnh, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đưa Lịch Sử trở thành môn học bắt buộc ở cấp THPT, mỗi em sẽ có 8 môn học/hoạt động bắt buộc.
Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ được chọn học 4 môn thuộc nhóm môn học lựa chọn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Tuy nhiên, Âm nhạc và Mỹ thuật vẫn là những môn khó triển khai trong dạy, học. Ông Hoàng Phát Đạt, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết trong năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục Phổ thông mới 2018, hai môn Mỹ Thuật và Âm Nhạc vẫn chưa được triển khai ở bất kì trường THPT nào ở An Giang.
Còn ở tỉnh Hà Tĩnh, theo ông Cao Ngọc Châu, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh đã có những trường thuộc các huyện tổ chức được lớp dạy Mỹ thuật và Âm nhạc bằng cách điều chuyển giáo viên có năng lực tốt đang ở cấp THCS tham gia giảng dạy.
Bắc Giang hiện tổ chức được lớp học năng khiếu theo nhu cầu học sinh THPT với 10 giáo viên âm nhạc và 7 giáo viên Mỹ thuật theo chia sẻ ông Lưu Hải An, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh.
Chương trình 2018 hứa hẹn tạo công bằng cho học sinh có năng khiếu nghệ thuật
TS Lê Trọng Nga, Trưởng khoa Tạo dáng Công nghiệp, trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng các môn học cấp THPT lúc này đã đáp ứng được số đông các em tham gia các kì thi tuyển thuộc nhiều khối thi. Tuy nhiên, nhóm học sinh có năng khiếu và muốn thi tuyển vào những nhóm trường đặc thù sẽ khó khăn hơn khi phải tự học và luyện thi ở các lớp ngoài nhà trường. Khó khăn càng nhân lên với học sinh ở xa trung tâm đô thị khi có quá ít, thậm chí không thể có lớp hướng dẫn các môn năng khiếu.
Thực tế này được khắc phục phần nào khi internet phát triển, các em có thể lên mạng tìm kiếm những clip hướng dẫn từ xa. Hoặc như trường đại học Mở Hà Nội cũng tổ chức các lớp tạo nguồn miễn phí, đáp ứng cả nhu cầu học và thi cho học viên bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, đề thi cũng được nhà trường lựa chọn những những mẫu vẽ mà các bạn thí sinh có thể tìm ngay trong cuộc sống xung quanh.
Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử các bộ môn năng khiếu theo TS Lê Trọng Nga đều có những tiêu chí đánh giá rất rõ ràng, minh bạch.
“Ví dụ như trường chúng tôi, các môn thi năng khiếu tuyển sinh đầu vào của ngành năng khiếu, môn vẽ chẳng hạn có tiêu chí về bố cục, về hình, về mảng, không gian rất rõ ràng và mỗi tiêu chí bao nhiêu điểm. Có đến 20 thang điểm với mỗi thang điểm 0,5 để tạo thành 10 điểm. Vậy thì rất rõ ràng và khách quan”. TS Trọng Nga phân tích.
Thầy Trọng Nga cho biết trước đây, nhiều phụ huynh khi thấy con em mình theo đuổi công việc liên quan đến các ngành văn hóa nghệ thuật cũng có sự cấm đoán. Trong suy nghĩ của xã hội, văn hóa nghệ thuật ra trường làm thế nào để kiếm sống. Nhưng khi xã hội phát triển, cuộc sống ấm no hơn, nhu cầu không chỉ có ăn no mặc ấm mà chuyển sang ăn ngon, mặc đẹp đã khiến ngành văn hóa nghệ thuật lên ngôi. Vì vậy tâm lý phụ huynh cũng đã thay đổi.
Ở ngành mỹ thuật ứng dụng của trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên ra trường gần như có việc làm hết và được làm đúng chuyên ngành đào tạo với mức lương khá cao ngay từ khi mới tốt nghiệp.
Chương trình phổ thông mới 2018 đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, cho phép học sinh được lựa chọn theo năng lực và đam mê. Cụ thể việc đưa vào khối THPT hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Nghĩa là học sinh sẽ được đào tạo theo năng lực và nhu cầu định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Việc nhiều địa phương gặp khó khi tổ chức các lớp có dạy hai môn học này theo thầy Trọng Nga dần dần có thể khắc phục được bằng việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu. Trước mắt, các nhà trường căn cứ tình hình đăng kí thực tế của học sinh có thể liên kết trong sử dụng chung giáo viên. Về lâu dài, việc được học những bộ môn năng khiếu ngay tại trường phổ thông sẽ tạo công bằng về cơ hội cho các em học sinh có năng khiếu, đam mê.
Từ góc độ đơn vị đào tạo, trường Đại học Mở Hà Nội sẽ cố gắng tìm giải pháp ra đề thi có thể phát huy được năng lực cũng như đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh, đặc biệt các bạn ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp xúc với các môn nghệ thuật.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: