Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2027 sẽ thực hiện thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính ở một số địa phương trước khi mở rộng ra toàn quốc.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Thủ trướng Chính Phủ Phạm Minh Chính yêu cầu bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thí điểm tổ chức thi trên máy tính những môn trắc nghiệm tại một số địa phương từ năm 2027. Về vấn đề này, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là bước đi chiến lược, phản ánh xu thế tất yếu của giáo dục trong kỉ nguyên số.

Thầy Cường cũng cho rằng đây được xem như bước “đột phá” tạo nên hệ sinh thái số trong giáo dục khi học sinh hiện nay đã rất quen với công nghệ khiến việc chuyển sang thi trên máy tính sẽ không còn quá thách thức hay khó khăn.

Cùng với đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chạy được một chu kì sẽ tạo cơ hội để ngành giáo dục rà soát, đưa ra các điều chỉnh sát thực tế. Và chính việc tổ chức thi thí điểm trắc nghiệm trên máy tính sẽ thu lại nguồn dữ liệu, hướng tới cùng lúc hai mục tiêu: cải tiến nội dung chương trình và hoàn thiện phương án khảo thí phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bản thân đội ngũ giáo viên cũng sẽ có những áp lực nhất định để thay đổi, phù hợp dòng chảy “chuyển đổi số trong giáo dục” thay cho việc chỉ dừng ở việc tăng cường ứng dụng công nghệ, tin học hóa hoặc đưa công nghệ vào giáo dục như thời gian qua. Cũng từ đây, quản lí giáo dục cũng buộc phải chuyển biến thành quản trị nhà trường dựa trên việc phân tích dữ liệu người học, dữ liệu hoạt động dạy học.

Thầy Tôn Quang Cường cũng lưu ý việc thi trên máy tính cũng góp phần tiết kiệm cho xã hội và cũng linh hoạt trong khâu tổ chức. Một năm hoàn toàn có thể tổ chức thi thành nhiều đợt, không cứ tập trung toàn bộ cả triệu thí sinh trong một thời điểm.

Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị máy móc phục vụ cho công tác tổ chức thi cũng được xã hội đặt ra làm sao để hiệu quả, tránh lãng phí? Thầy Tôn Quang Cường cho rằng bản thân đội ngũ giảng viên, nghiên cứu lĩnh vực công nghệ giáo dục cũng đã có những nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm từ nhiều quốc gia.

“Hiện nay chúng ta đang ở trong trạng thái: Giáo dục chạy một đường trong khi bên cạnh có một nguồn lực xã hội cực kì lớn chưa được khai thác. Đó chính là hệ thống tổ chức, doanh nghiệp chuyên về công nghệ giáo dục đã rất sẵn sàng cùng phối hợp để triển khai. Tuy nhiên, sự kết nối giữa hai bên chưa đạt.

Ngành giáo dục hoàn toàn có thể giữ những nội dung cơ bản về quy trình tổ chức, ngân hàng đề thi đồng thời mời các doanh nghiệp sở hữu hệ thống thiết bị để đưa ra các phương án tổ chức thi cụ thể”, thầy Tôn Quang Cường chia sẻ phương án cho vấn đề khó khăn về thiết bị. Sau một vài năm thực thi việc phối hợp và thí điểm ở một vài địa phương, thầy Cường cho rằng sẽ không quá khó khăn khi mở rộng tổ chức thi ra tất cả các địa phương trên cả nước.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định việc nhiều trường đại học tiên phong tổ chức thi trên máy tính cũng được xem như tiền đề tốt cho ngành giáo dục triển khai cho thi tốt nghiệp.

Tổ chức thi trên máy tính không chỉ đặt ra yêu cầu về trang thiết bị cơ sở vật chất của các nhà trường, các địa phương mà yêu cầu phải có những thay đổi trong quá trình dạy học, kiểm tra thi cử để thí sinh dần quen và chủ động với thao tác máy.

Điều này đòi hỏi chính giáo viên ở trường phổ thông phải thay đổi về tư duy số cũng như có những chuyển đổi trong suốt quá trình dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá hằng ngày. Bà Thơ thừa nhận một thực tế dù Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhưng tốc độ chuyển đổi số ở các địa phương khá chậm, đặc biệt sau khi dạy học trực tiếp đã trở lại sau giai đoạn hầu như cả nước dạy học trực tuyến do tác động của đại dịch Covid 19.

Dạy học trực tuyến chỉ nên xem như một trong nhiều nội dung của chuyển đổi số trong giáo dục. Ở đây quan trọng nhất nằm ở hệ cơ sở dữ liệu quá trình đánh giá học sinh.

“Vụ tiểu học đã thực hiện học bạ số từng bước nhưng tôi cho rằng quá chậm nên chúng ta chưa có dữ liệu chung của toàn quốc và cũng chưa có nền tảng cho từng địa phương kết nối với hệ thống quốc gia. Vì thế, ngoài kĩ năng số mà học sinh và giáo viên phải tự trau dồi thì rất cần một sự đầu tư mang tính hệ thống và mạnh mẽ hơn nữa. Còn chỉ một kì thi không giải quyết được gì. Cái giáo dục cần trong chuyển đổi số là tạo nên sự kết nối hệ thống để nhìn một cách toàn diện từ quá trình học sinh học ra sao? Khả năng thích ứng với việc dạy của các địa phương như thế nào?”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích.

Bà Thơ cũng cho rằng đến năm 2030, việc thi cử không chỉ nằm ở hình thức hay công cụ thi trên máy tính mà cùng sự phát triển các nền tảng công nghệ như hiện nay, trải nghiệm thi sẽ đầy đủ để đánh giá cả năng lực cảm xúc của thí sinh.

Điểm khó ở đây nằm ở một phần giáo viên chưa thực sự thích ứng với những thay đổi khi vẫn giữ cách dạy thiên về nội dung trong khi kĩ năng số còn hạn chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành “Khung năng lực số” nhưng cần thúc đẩy chính giáo viên phải tự trau dồi. Và chính ý chí quyết tâm chuyển sang thi bằng máy tính các môn trắc nghiệm sẽ trở lại thay đổi chính quá trình dạy và học ở trường phổ thông.