Thông tin về vị trí xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh của Việt Nam trên bình diện thế giới được nhiều người quan tâm khi tiếng Anh lâu nay trở thành nội dung nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và toàn ngành giáo dục. Gần đây nhất, Kết luận 91 của Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Bảng xếp hạng Education First (EP) cho thấy:

-Chỉ số thông thạo tiếng Anh của người Việt đạt 498 điểm, nằm ở nhóm thấp, Năm 2023 chỉ số này đạt 505 điểm, thuộc nhóm trung bình

-Trong bảng xếp hạng toàn cầu năm nay, Việt Nam đứng thứ 63 trên tổng số 116 quốc gia, giảm 5 bậc so với một năm trước đó.

-Trong khu vực Châu Á, chúng ta đứng thứ 8 về mức độ thông thạo tiếng Anh sau Singapo, Philipin, Malaysia, Hoongkong, Hàn Quốc, Nepal và Bangladesh. Điều này cho thấy chúng ta giảm một hạng từ 7 xuống 8.

-Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng này, Hà Nội lọt vào nhóm Trung bình với 524 điểm.

Thấy gì từ bảng xếp hạng EP?

Về vai trò, uy tín bảng xếp hạng của Education First (EF), chuyên gia Giáo dục Ngô Huy Tâm, chuyên gia phân tích chính sách giáo dục quốc tế với chứng chỉ giảng dạy cao học và quản trị lãnh đạo giáo dục từ đại học Harvard cho biết EP là tổ chức giáo dục toàn cầu về đào tạo ngôn ngữ, du học, trao đổi văn hóa. EF thực hiện khảo sát EPI xếp hạng năng lực ngôn ngữ Anh hàng năm ở các quốc gia từ năm 2011. Bảng xếp hạng EPI hàng năm được tổng hợp từ dữ liệu điểm các bài thi SET (Standard English Test) do chính EF cung cấp miễn phí online bắt đầu từ năm 2011.

Số Mẫu bài thi thấp nhất để tính điểm là 400 người thi/một quốc gia. Bài thi SET thực hiện tự nguyện, do đó dữ liệu cho EPI có tính thiên lệch ở 2 điểm: Bài thi chỉ tập trung vào kỹ năng nghe và đọc, không có nói và viết; dữ liệu không được lựa chọn mẫu phân bổ theo độ tuổi, vùng miền mà hoàn toàn phụ thuộc vào các thí sinh “tự nguyện” làm bài thi SET. Lưu ý, đối tượng cho bài thi SET là người lớn, sinh viên trên 18 tuổi.

“Điểm số SET và thứ hạng EPI không mang tính khẳng định, mà chỉ được coi là 1 chỉ dấu cho các nhà hoạch định chính sách xem xét, dựa trên tương quan với các dữ liệu nội bộ khác. Do vậy, các quốc gia thường có cách nhìn nhận, tiếp cận kết quả EPI khác nhau”, thầy Ngô Huy Tâm phân tích.

Ở vai trò của người từng có nhiều năm học tập ở nước ngoài và cũng đã nhiều lần nêu quan điểm về dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, thông tin tụt chỉ số xếp hạng thành thạo tiếng Anh của Việt Nam năm 2024 không bất ngờ nhưng theo thầy Tâm, đây được xem như một lời nhắc nhở đáng suy ngẫm.

Mặc dù đã có nhiều đầu tư, quan tâm như “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020” (kéo dài đến năm 2025) song hiệu quả chưa tương xứng với kỳ vọng. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn vẫn như một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy tập trung vào thi cử thay vì giao tiếp thực tế cũng trở thành một yếu tố hạn chế.

Bên cạnh thứ hạng của EF, điểm IELTS trung bình của Việt Nam năm 2023 – 2024 giảm từ 6.3 xuống 6.2 và xếp hạng của Việt Nam tụt xuống hạng 29, bị tụt hạng 6 bậc so với năm trước.


Nhìn từ việc đánh giá năng lực tiếng Anh qua phổ điểm thi tốt nghiệp THPT theo thầy Tâm cũng phản ánh tình trạng tương tự khi điểm trung bình của học sinh ở xung quanh 5.

“Việc tụt hạng ở cả 2 bảng xếp hạng, và điểm trung bình nằm ở trung bình, dưới trung bình nhấn mạnh nhu cầu chuyển đổi từ việc học để thi sang học để sử dụng ngôn ngữ thực tế”, thầy Tâm nhấn mạnh.

Học tiếng Anh ở Việt Nam vẫn chỉ để thi cử

Một vài nguyên nhân chính cho tình trạng tụt hạng được chỉ ra ở đây gồm: Học sinh chủ yếu tập trung vào thi cử bằng việc học ngữ pháp và viết để thi, ít luyện nghe và nói. Chúng ta đang thiếu môi trường thực hành, đa số học sinh, đặc biệt ở nông thôn, thiếu nguồn lực và không có cơ hội sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học.

Chỉ một số nơi như Hà Nội và các thành phố lớn có lợi thế nhờ đầu tư vào các trung tâm ngoại ngữ hiện đại với giáo viên bản ngữ. Ngược lại, vùng nông thôn thiếu giáo viên đạt chuẩn và cơ sở vật chất học tập. Ví dụ, chỉ dưới 1% trường học ở nông thôn có giáo viên bản ngữ, trong khi Hà Nội đạt tối thiểu 12%. Điều này dẫn đến tâm lí ngại sai, ít thực hành giao tiếp. Ngoài ra, năng lực giáo viên phổ thông vẫn còn hạn chế.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho học sinh THPT từ năm 2025 tự chọn môn thi tốt nghiệp ngoài hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn theo thầy Tâm có thể làm giảm động lực học tiếng Anh ở học sinh, đặc biệt tại các khu vực khó khăn.

Tuy nhiên theo thầy Tâm, nó cũng là cơ hội để học sinh tập trung vào tiếng Anh như một kỹ năng cần thiết thay vì áp lực thi cử.

"Tôi cho rằng giải pháp ở đây nên duy trì tiếng Anh là môn học bắt buộc ở bậc tiểu học và THCS; Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giữ sự quan tâm của học sinh với tiếng Anh. Và quan trọng nữa nằm ở chính sách cần đi kèm các chương trình hỗ trợ để nhấn mạnh giá trị lâu dài của tiếng Anh”, thầy Huy Tâm phân tích.

Cùng với đó, để cải thiện khả năng thành thạo tiếng Anh, thầy Tâm cho rằng cần nhìn từ bài học của một số quốc gia khác. Ví dụ như Singapore đã xây dựng mô hình giáo dục song ngữ hiệu quả, trong khi Philippines sử dụng tiếng Anh rộng rãi trong kinh doanh và giáo dục. Hàn Quốc cũng vươn lên mạnh mẽ, và dùng các chỉ số xếp hạng để thu hút đầu tư từ các công ty xuyên quốc gia.

Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng mô hình song ngữ từ mầm non, như Singapore hay khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong ngành du lịch, dịch vụ, và kinh doanh. Để làm được nhiều nội dung hướng tới đưa người Việt vượt qua mức thấp và trung bình về thành thạo tiếng Anh cần ưu tiên cải cách toàn diện và xây dựng môi trường học tập tích cực để không bị bỏ lại phía sau.

Với các em học sinh Việt Nam, để thành thạo tiếng Anh trong điều kiện thiếu môi trường thực tế, theo thầy Huy Tâm cần một số yếu tố như: Có động lực mạnh mẽ trong việc đặt mục tiêu rõ ràng như đi du học, làm việc quốc tế; Tận dụng công nghệ để học luyện. Những môi trường thực hành nhân tạo như câu lạc bộ tiếng Anh, thực hành qua các ứng dụng cũng bổ trợ cho sự thành thạo. Tham gia thuyết trình, viết blog, tham gia dự án nhóm có tác dụng như những trải nghiệm thực tế có giá trị...

Tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác trong một thế giới hội nhập đã và đang vượt qua vai trò của một môn học, trở thành kĩ năng cần thiết cho công việc, cho mục tiêu trở thành công dân toàn cầu. Chỉ số thông thạo tiếng Anh EP cần xem như một kênh tham khảo nhưng đáng để suy ngẫm cũng như có những giải pháp để khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt được nâng lên, đáp ứng được các mục tiêu phát triển vươn tầm của đất nước.

Mời các bạn thính giả bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV VOV2 cùng chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm: