Hội thảo do Hội ngôn ngữ học Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học, Tạp chí “Ngôn ngữ”, gia đình và đại diện các thế hệ học trò của GS.TS Hoàng Văn Hành phối hợp tổ chức. Tên hội thảo dựa trên cuốn sách của giáo sự với tựa đề: “Ngôn ngữ học trên đường hiểu biết và khám phá”.

Hội thảo không chỉ tôn vinh và tri ân những đóng góp có giá trị của GS.TS Hoàng Văn Hành cho Viện Ngôn ngữ học, ngành ngôn ngữ học Việt Nam mà còn tạo không gian trao đổi những vấn đề GS đã dày công nghiên cứu, khám phá được tiếp tục ứng dụng, phát huy trong ngôn ngữ học đương đại.

GS.TS Hoàng Văn Hành sinh ngày 3/10/1934 tại làng Tình Quang, xã Giang Biên, huyện Gia Lâm (nay là phường Giang Biên, quận Long Biên), Hà Nội. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm khu học xá Trung ương, trải qua các vị trí công tác trong ngành giáo dục, từ năm 1961 đến 1964, ông được cử sang học tại trường đại học Tổng hợp Rostovna Donu, Liên Xô (nay là Liên Bang Nga). Về nước, GS công tác tại viện Ngôn ngữ học từ năm 1964 đến khi nghỉ hưu.

Bắt đầu với vai trò là một trong những cán bộ đầu tiên ở Tổ Ngôn ngữ (Tiền thân của Viện Ngôn ngữ học) thuộc viện Văn học, trải qua các vị trí từ Trưởng ban Từ điển, Thư kí khoa học Viện Ngôn ngữ đến Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, GS Hoàng Văn Hành trở thành tác giả của hàng trăm công trình khoa học, tập trung vào một số nội dung cơ bản và quan trọng của ngôn ngữ tiếng Việt như:

Vấn đề từ tiếng Việt, trong đó chú trọng vào tính hệ thống của vốn từ Tiếng Việt, cơ cấu nghĩa của từ, đặc điểm của từ láy tiếng Việt và riêng thành ngữ tiếng Việt ông có ý tưởng xây dựng “Thành ngữ học tiếng Việt”.

Bên cạnh đó GS còn nghiên cứu những vấn đề liên quan chính sách ngôn ngữ như ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt…

“Ông tận tâm, say mê trong khoa học, luôn tìm tòi, học hỏi, lăn lộn với thực tế ngôn ngữ. Tất cả làm nên một nhà ngôn ngữ học tên tuổi Hoàng Văn Hành. Những kết quả nghiên cứu của ông vẫn còn nguyên giá trị và là động lực để thế hệ nối tiếp tiếp tục nghiên cứu”, GS.TS Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ chia sẻ tại hội thảo cùng những câu chuyện nghề, chuyện nghiên cứu khoa học của GS Hoàng Văn Hành.

GS Hoàng Văn Hành để lại cho ngành ngôn ngữ học nước nhà những kết quả nghiên cứu dưới hình thức bài báo, báo cáo khoa học và tham luận. Nhiều công trình được in thành sách chuyên khảo như: “Từ láy trong tiếng Việt” (Nxb KHXH, 1985); “Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá” (Nxb KHXH 1991); “Thành ngữ học tiếng Việt” (Nxb KHXS 2004) cùng nhiều các công trình ở vai trò đồng tác giả.

Ở vai trò sáng lập và giữ cương vị chủ tịch đầu tiên Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, GS mở ra hướng nghiên cứu Ngôn ngữ văn hóa Hà Nội, trong đó có Tiếng Hà Nội. Nhiều thế hệ học trò của GS Hoàng Văn Hành trở thành cán bộ nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn, ngôn ngữ học tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển, lớn mạnh của ngành khoa học ngôn ngữ nước nhà.

Gắn bó cả đời với Viện Ngôn ngữ học, chuyên tâm với những công trình nghiên cứu ngôn ngữ, GS Hoàng Văn Hành tạo tiền đề cho ngành khoa học ngôn ngữ nước nhà.

"Tôi mong rằng những thế hệ học trò của thầy Hoàng Văn Hành phát huy những giá trị quý báu từ thầy và thế hệ đi trước, xây dựng ngành ngôn ngữ học phát triển vững mạnh và sẽ có những đóng góp nhiều hơn nữa", TS Đặng Thị Phượng, Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ chia sẻ.

Hội thảo cũng tập trung thảo luận những kết quả nghiên cứu của tác giả về tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và ngôn ngữ nước ngoài, từ những hướng tiếp cận khác nhau, từ bình diện lý thuyết truyền thống và hiện đại, tập trung so sánh, đối chiếu giữa các ngôn ngữ.

Phần thảo luận của hội thảo nhận được ý kiến đóng góp, những chia sẻ từ đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên trong lĩnh vực tiếng Việt và ngôn ngữ đến từ các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước, góp phần làm phong phú thêm những đóng góp của GS Hoàng Văn Hành với hành trình nghiên cứu ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng.