Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, chất lượng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất từng vùng miền khác nhau nhưng cơ bản học sinh tiếp cận với kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia đồng đều, thí sinh nhiều vùng miền đều có giải, không chỉ tập trung vào một số tỉnh, địa phương giàu thành tích. Đặc biệt năm 2023, tỉnh Cà Mau có học sinh đoạt giải Nhất Ngữ văn.
Kỳ thi Olympic quốc tế luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương quan tâm. Năm 2022 38/38 thí sinh đi thi đều có giải, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, số lượng học sinh đoạt giải Olympic quốc tế tập trung cao nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội, tiếp theo Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Đại học Quốc gia TPHCM, Nam Định... Đặc biệt, các trường chuyên trong trường ĐH có thành tích nổi trội vừa đoạt nhiều giải trong nước và thi quốc tế.
Đánh giá về những ưu điểm trong công tác thi chọn HSG, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, Kỳ thi chọn HSG quốc gia đã thực hiện nghiêm túc quy chế hiện hành, tổ chức công bằng, đảm bảo chính xác, khách quan, chọn đúng HSG.
Kết quả thi phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy học, bồi dưỡng HSG ở các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc và góp phần nâng chất lượng của các đội tuyển quốc gia tham dự Olympic khu vực và quốc tế.
Kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn HSG Việt Nam luôn có chuyển biến tiến bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời, kết quả này đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của các nhà trường.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định, đây là thành quả của chính sách đúng đắn và chiến lược phù hợp của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm qua, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ đối với công tác này.
Tuy vậy, công tác thi chọn HSG quốc gia cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là việc tổ chức thi thí nghiệm và thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học còn khó khăn.
Các địa phương có điều kiện dạy và học khó khăn thì thành tích HSG chưa cao, nhất là ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, miền núi phía bắc, Nam Trung bộ, Tây Nguyên...
Việc huy động các chuyên gia tham gia công tác ra đề, chấm thi còn gặp khó khăn do kinh phí chi cho chuyên gia còn hạn chế. Chưa có cơ chế gắn kết trách nhiệm của chuyên gia, nhất là chuyên gia của các trường ĐH, Học viện, Trung tâm nghiên cứu, Hiệp hội. Sự phối hợp giữa địa phương với trường ĐH, Bộ GD-ĐT trong việc mời chuyên gia chưa chặt chẽ và chưa có ràng buộc cụ thể.
Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức sớm kỳ thi chọn HSG quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển tham gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Đồng thời, tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và thế giới.
Thực hiện đồng bộ giải pháp coi thi, chấm thi các vòng thi chọn HSG cấp quốc gia đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh, chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
Bộ cũng sẽ tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, công tác thi chọn HSG quốc gia trong thời gian qua cơ bản có chuyển biến tích cực, từ điều chỉnh Quy chế, nâng cao chất lượng HSG các cấp đến tác động tích cực tới đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo, chủ động, đáp ứng yêu cầu của chương trình và yêu cầu của kỳ thi HSG quốc gia, quốc tế.
Để kỳ thi chọn HSG đạt chất lượng cao nhất trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các Sở, các đơn vị tiếp tục thực hiện Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên theo hướng nâng cao chất lượng hệ thống trường chuyên, quan tâm công tác tuyển sinh, cơ chế tài chính, chính sách giáo viên, chính sách khuyến khích HSG, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện thực hành…
Tiếp tục tập trung chú trọng đổi mới công tác bồi dưỡng HSG. Đổi mới cách chọn HSG ngay từ cấp trường, cấp tỉnh, đảm bảo chọn đúng những học sinh giỏi nhất để tham gia kỳ thi HSG quốc gia. Đồng thời, đổi mới Quy chế thi nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chất lượng. Trong đó, tăng cường sự tham gia của cơ sở giáo dục đại học vào công tác thi chọn HSG quốc gia./.