Sáng 14/12/2023, tại hội trường Lê Văn Thiêm (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm giao lưu các nhà khoa học đạt giải thưởng Kovalevskaia. Chương trình do Chi hội Nữ trí thức Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN tổ chức.
Tham dự chương trình có GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu, Nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam và các đại biểu thuộc Ban chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Trường; các nhà khoa học nữ đến từ nhiều chi hội Nữ trí thức, trường đại học, viện nghiên cứu, và đặc biệt là các tập thể, cá nhân từng đạt giải thưởng Kovalevskaia.
Tại buổi tọa đàm, các nữ nhà khoa học từng đạt giải thưởng Kovalevskaia đã chia sẻ những dấu mốc, trải nghiệm của bản thân, những khía cạnh mà các cán bộ trẻ quan tâm như: tổ chức nhóm nghiên cứu mạnh của các nhà khoa học nữ, từ lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học, những thách thức về giới trong nghiên cứu khoa học, tương lai khoa học trong thập niên tới và cơ hội của các nhà khoa học nữ.
“Để thành công trong nghiên cứu, theo tôi yếu tố chính là sự đam mê, biết thu xếp công việc gia đình phù hợp với nghề nghiệp. Muốn thu xếp được công việc gia đình thì các em sinh viên phải chọn đối tượng phù hợp. Đam mê là nguồn sức mạnh. Đã làm khoa học, có đam mê với khoa học thì mới có sức mạnh vượt qua khó khăn” – GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu chia sẻ.
GS.TS.Anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên, nguyên là Giám đốc xưởng sản xuất vắc-xin Viêm não Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ của Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế, người đứng đầu nhóm nghiên cứu đạt giải thưởng Kovalevskaia năm 1999 chia sẻ về quá trình học tập, nghiên cứu bào chế vắc xin trong điều kiện gian khổ ở chiến trường cũng như khi đi học tập ở nước ngoài. GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên nhấn mạnh yếu tố “đam mê và kiên cường”. Đặc biệt, sự kiên cường đã giúp giáo sư vượt qua khó khăn trong những năm tháng ở chiến trường, khi lấy chồng, sinh con, vừa chăm con vừa nghiên cứu khoa học trong điều kiện chồng là bộ đội nên vắng nhà.
“Tôi không nhớ một ngày mình làm việc bao nhiêu tiếng. Sáng dậy lo cho con cái, sau đó đến Viện. Có những nghiên cứu phải thức qua đêm, làm việc hết mình. Nhìn lại tôi thấy mình giỏi thật, không hiểu sao mình lại vượt qua tất cả” - GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên xúc động nói.
GS.TS. Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp thuộc Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 chia sẻ quá trình từ một cô bé lớn lên ở huyện Con Cuông, Nghệ An đến khi trở thành một nhà khoa học, tham gia nhiều dự án quốc tế.
Thuở nhỏ, sống ở nông trường, gia cảnh vất vả nên chị Trần Thị Thu Hà chỉ mong ước được làm kế toán, hoặc là nhân viên bán hàng ở các cửa hàng công thương. Tốt nghiệp phổ thông, chị Hà thi vào khoa Kinh tế của Đại học Nông lâm nhưng không đủ điểm đỗ, phải chuyển sang học ngành Lâm nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, chị Hà du học ở Đại học Lâm nghiệp Na Uy, sau đó làm nghiên cứu sinh, bảo vệ Tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Úc. Hiện nay, chị Hà tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển dược liệu và các hợp chất thiên thiên, công nghệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thái nước nhà.
GS.TS. Lê Minh Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội, chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 phát biểu, chia sẻ tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với khoa học ứng dụng.Để đi đến ứng dụng phải có nền tảng khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản là cơ sở để phát triển ý tưởng giải quyết vấn đề thực tế.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Nguyên Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN, người cùng với nhóm nghiên cứu Bộ môn Công nghệ Môi trường đạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 chia sẻ thông tin về các đề tài khoa học chị và nhóm nghiên cứu đã thực hiện. Theo chị Hà, phụ nữ làm khoa học cần theo đuổi đam mê, tự tin khám phá, và đặc biệt nếu có gia đình làm hậu phương vững chắc thì sẽ đỡ vất vả.
Buổi toạ đàm kết thúc trong không khí thân tình, sự sẻ chia giữa các nữ nhà khoa học các thế hệ.
Giải thưởng Kovalevskaia được thành lập năm 1985 bởi sáng kiến và sự đóng góp tài chính của hai vợ chồng nhà khoa học người Mỹ: GS Toán học Neal Koblitz và GS Lịch sử Ann Hibner. Giải thưởng mang tên nhà Toán học nữ người Nga Sofia Vasilyevna Kovalevskaia. Bước đầu giải thưởng chỉ có ở Việt Nam, sau đó được phát triển sang các quốc gia khác.
Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN đã 05 lần có tập thể và cá nhân đạt giải thưởng Kovalevskaia:
-GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu (ngành Sinh học) nhận giải năm 1988.
-GS.TS. Lê Viết Kim Ba (ngành Hoá học) nhận giải năm 1990.
-Tập thể bộ môn Hoá hữu cơ nhận giải năm 1994.
-Tập thể bộ môn Vật lý đại cương nhận giải năm 2007.
-Tập thể bộ môn Công nghệ Môi trường nhận giải năm 2018.
Chi hội Nữ trí thức Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN là một trong những chi hội đầu tiên được thành lập sau khi Hội Nữ trí thức Việt Nam ra đời (năm 2012). Trong hơn 10 năm qua, Chi hội đã duy trì hoạt động đúng với mục tiêu là tổ chức tự nguyện của nữ trí thức và vì nữ trí thức.