Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến giáo dục và sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ nói chung. Tổng Bí thư cũng từng đánh giá “mặc dù nền giáo dục của chúng ta vẫn còn những hạn chế, xã hội vẫn còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.
Theo Tổng Bí thư, từ một số đất nước hơn 90% người dân mù chữ đến nay trong tổng số 94 triệu dân có 24 triệu người đi học. Có nghĩa là cứ 4 người dân lại có một người đi học, không chỉ có học sinh, sinh viên mà người lớn cũng đi học rất nhiều. Trong số 1.000 trường đại học nổi tiếng trên thế giới, Việt Nam đóng góp 2 trường. Trình độ của học sinh, sinh viên bây giờ khác xa ngày xưa, điều kiện trường lớp cũng ngày càng phát triển, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự nghiệp giáo dục của chúng ta đang phát triển rất mạnh và có triển vọng rất tốt.
Nhưng bên cạnh động viên thầy và trò nỗ lực trong sự nghiệp đổi mới giáo dục thì điều mà Tổng Bí thư nhắc nhiều nhất, đó là phải đặc biệt lưu ý tới việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho học sinh, sinh viên.
Trong cuộc gặp gỡ 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 – 2018 vào ngày 3/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đó đã nói: “Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia. Nhưng các cụ ta nói rồi, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cho nên phải rất chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức”.
Tổng Bí thư đề nghị ngành Giáo dục chú ý thêm về các mặt giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, trước hết là từ cách ăn, ở, đối nhân xử thế hàng ngày với anh em, bạn bè tới trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang cái tài của mình ra phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước.
Rèn luyện thành những chủ nhân tương lai vừa "hồng" vừa "chuyên"
Trong 2 lá thư nhân dịp khai giảng năm học mới vào ngày 4/9/2019 và ngày 4/9/2020 gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh, Tổng Bí thư đều nhắc đến mong muốn các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa "hồng", vừa "chuyên". Nghĩa là vừa có đức, vừa có tài, mà “phải lấy đức làm gốc”.
Với thế hệ trẻ nói chung, Tổng Bí thư cũng luôn nhấn mạnh đến việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII năm 2022, Tổng Bí thư nhắc đến thực tế vẫn còn một số bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng thiếu lý tưởng, có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường.
“Dù chỉ là một bộ phận nhỏ những những biểu hiện đó rất cần quan tâm khắc phục nếu không sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tự chuyển hóa, tự diễn biến với nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và nhắc nhở tổ chức đoàn “cần tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo dức lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ để thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai vừa hồng vừa chuyên như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trước đó, trong cuộc gặp mặt đảng viên trẻ toàn quốc học tập và làm theo lời Bác, nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969 – 2019), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhắc nhở đến việc rèn đức luyện tài để phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu.
“Đức đi đôi với tài nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Muốn làm tốt nhiệm vụ của mình mà lại ở vai trò tiên phong gương mẫu, thì càng phải có đức và có tài. Người không có tài thì không làm được việc gì, nhưng có tài mà không có đức thì phá cả cách mạng”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư khi đó cũng phân tích cho các đảng viên trẻ dưới 35 tuổi: “Đức ở đây hiểu rộng ra là vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đức đối với gia đình, bạn bè. Đức thể hiện ở nhiều mặt nên phải không ngừng rèn luyện. Đức với tài phải đi song song với nhau. Nhưng trong mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài, thì đức phải là gốc”.
Tổng Bí thư đã về với thế giới người hiền, nhưng lời căn dặn phải rèn đức đi đôi với luyện tài, phải lấy đức làm gốc sẽ còn mãi với mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ nói chung, sẽ là kim chỉ nam trong đổi mới giáo dục, phát triển thế hệ trẻ hiện tại và mãi sau này.