Hãy biến câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu thành cơ hội “vàng” để thể hiện bản thân

Trong buổi phỏng vấn, mỗi câu hỏi đều có ý đồ riêng của nhà tuyển dụng và càng nhiều câu hỏi sẽ giúp cho nhà tuyển dụng hiểu sâu hơn về các ứng cử viên. Cùng hỏi về điểm mạnh, điểm yếu nhưng đôi khi họ có thể hỏi theo những cách khác để xoáy vào xem bạn có thực sự hiểu sâu về bản thân mình hay không cũng như cách các bạn trả lời có đồng bộ hay không.

Ví dụ, với câu hỏi “Khi các bạn đi học, đi làm có điều gì khiến bạn tự hào?” chính là hỏi về điểm mạnh. Hoặc “Trong quá trình làm việc nhóm, các bạn thường gặp vấn đề gì?” chính là câu hỏi liên quan đến điểm yếu.

Trong mỗi buổi phỏng vấn, câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu hầu như không thể thiếu vì câu này giúp nhà tuyển dụng đánh giá độ hiểu bản thân của mọi người. “Người càng hiểu rõ bản thân chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn, phối hợp tốt hơn với những người khác trong nhóm”. Ngoài ra, họ cũng muốn xem là điểm mạnh của các bạn có phù hợp với công việc mà người ta đang tìm kiếm hay không và điểm yếu của các bạn có ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình làm việc của các bạn hay không.

Vì vậy, trả lời lúng túng, ấp úng hoặc không biết về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là điều tối kỵ. “Các bạn cần chuẩn bị trước câu trả lời cho các câu hỏi này tại nhà”, anh Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Điểm mạnh hay điểm yếu có thể liên quan tới tính cách, kỹ năng hoặc là chuyên môn, miễn sao thông tin mà bạn nói ra có sự liên quan phần nào đến công việc mà các bạn đang ứng tuyển.

Hãy tập trung ở 1-2 điểm mạnh, không cần nói quá nhiều

Anh Lê Tuấn Anh chia sẻ một số “bí kíp” khi trình bày điểm mạnh.

Thứ nhất, cố gắng trình bày những điểm mạnh thực sự liên quan đến công việc. Thông thường khi nói về điểm mạnh, nhiều bạn trẻ hay nói giống nhau như điểm mạnh của mình là làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình… Tuy nhiên, trong mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có những kiến thức khác nhau. Ví dụ khi làm marketing, các bạn có thể nói về những điểm mạnh như chạy quảng cáo Facebook, tìm hiểu thông tin khách hàng, tổ chức sự kiện… Xin việc kế toán, các bạn có thể có những điểm mạnh như là làm việc về sổ sách, phân tích giấy tờ…

Thứ hai, khi nói về điểm mạnh, các bạn hãy đưa ra một ví dụ về một công việc hoặc một trải nghiệm trước đây mà mình đã sử dụng điểm mạnh đó để thực hiện và mình đạt kết quả tốt. Anh Tuấn Anh lấy một ví dụ về điểm mạnh của bản thân, “điểm mạnh của tôi là kỹ năng đứng trước đám đông và kỹ năng thuyết trình. Điều này được tôi sử dụng rất nhiều trong 5 năm qua. Tôi đã thuyết trình, đi thỉnh giảng ở hơn 50 trường đại học, đã làm hơn 300 chương trình khác nhau”.

Thứ ba, khi trả lời về điểm mạnh không nên nói quá dài. Các bạn chọn ra khoảng 1-2 điểm mạnh chính liên quan đến công việc và đưa ví dụ, “đừng liệt kê 5-10 điểm mạnh của mình, người phỏng vấn bạn sẽ không nhớ hết đâu”.

Thật thà với điểm yếu nhưng hãy đưa ra cách khắc phục

Chọn những điểm yếu không quá liên quan tới công việc mà bạn đang xin, đây có thể là một chọn tốt. Tuy nhiên, không nên né tránh các điểm yếu. Bí kíp khi nói về điểm yếu là bạn hãy trả lời cho nhà tuyển dụng biết bạn đang làm gì hoặc đã làm gì để khắc phục cái điểm yếu đó.

Ví dụ, nếu như điểm yếu của bạn là kỹ năng tiếng Anh, hãy cho họ biết 6 tháng qua bạn đã tham gia học tiếng Anh tại trung tâm và kỹ năng này đang được cải thiện dần lên.

Nếu điểm yếu của bạn là kỹ năng lãnh đạo chưa thực sự quá xuất sắc, hãy cho họ biết trong thời gian qua bạn đã cố gắng tham gia các khóa học lãnh đạo và trong các dự án cá nhân bạn cũng đang tập tành áp dụng các kiến thức đó.

“Khi nói về điểm yếu, các bạn đừng ngại, hãy thành thật nói về điểm yếu của mình, nhưng hãy đưa ra giải pháp”.

Hy vọng rằng các bạn sẽ biết cách biến điểm yếu của bản thân thành những thách thức mà bạn đã vượt qua và để điểm mạnh chứng minh rằng bạn là ứng viên lý tưởng nhất.

Nghe thêm những tư vấn của anh Lê Anh Tuấn tại đây: