Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

8 vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận: Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; Tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo; Chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; Chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo; Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ?

Đồng tình cao về việc ban hành luật Nhà giáo nhưng đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị dự thảo Luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác...

Đại biểu Thu Hiền đánh giá, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả...

Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.

"Cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như là của xã hội", bà Hoàng Thị Thu Hiền kiến nghị.

Cần có quy định cụ thể bảo vệ nhà giáo - đây cũng là vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kiến nghị tại phiên thảo luận sáng 20/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng.

“Tôi ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Cụ thể, tại điểm b, mục 3, Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo.

“Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định nhưng đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, trực tiếp đứng lớp, có ảnh hưởng lớn đến tâm lý người học. Nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ nhà giáo mà còn cả triệu tương lai của đất nước. ”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu quan điểm.

Nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh

Cũng liên quan đến quy định tại Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhất trí việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhà giáo.

Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo.

“Hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia; nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác của xã hội nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và phải chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả học sinh về hoạt động của mình”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận.

Đại biểu nêu quan điểm, quy định như dự thảo Luật là không phù hợp với các quy chế, quy định của pháp luật và dễ gây dư luận trái chiều.

Tương tự tại khoản 3, Điều 43 quy định về xử lý kỷ luật nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí quá trình xem xét xử lý kỷ luật nhà giáo phải đảm bảo tính nhân văn. Tuy nhiên quy định quá trình xem xét xử lý kỷ luật nhà giáo phải giữ gìn hình ảnh, uy tín của nhà giáo theo đại biểu là chưa thực sự chưa hợp lý.

“Nhà giáo cũng như các công dân khác, có trách nhiệm tuân thủ mọi quy định của pháp luật, và khi vi phạm nghĩa là không tuân thủ các quy định và các chuẩn mực thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Nhưng quá trình xử lý kỷ luật lại phải giữ gìn hình ảnh, uy tín của người vi phạm, trong khi có hành vi vi phạm thì cá nhân đó đã không có ý thức tự giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình, của nhà giáo, vậy thì khó có thể thực hiện quy định này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề dạy thêm

Dự thảo Luật Nhà giáo có quy định những việc nhà giáo không được làm như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân; Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tại điểm C khoản 2 Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Theo đại biểu, quy định này là cần thiết nhưng nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

“Cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật”.

Cũng theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.

Cũng đề cập về việc học thêm, dạy thêm, đại biểu Đỗ Huy Khánh, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý.

"Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm-học thêm", đại biểu Đỗ Huy Khánh kiến nghị.

Trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, các ý kiến của các ĐBQH bày tỏ sự thống nhất, ủng hộ dự án Luật Nhà giáo thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn như dạy học, kiểm tra, đánh giá… do vậy dự án Luật này không thể bao quát hết được. Đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác.

Đối với một số cơ chế, chính sách về tuyển dụng, tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lương - thu nhập nhà giáo... được đề xuất tại dự thảo Luật, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái bất thường...

"Nhà giáo vốn là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha. Họ không thể nào sống sung sướng bên cạnh những người còn nghèo khó - nhà giáo không chấp nhận điều đó", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ khó có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học.

Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.