Các thiết bị và phần mềm thiết kế vi mạch do Siemens và NIC tài trợ có giá trị hàng chục tỉ đồng giúp trường Đại học Giao thông vận tải bổ sung vào nội dung thực hành, thực tập các học phần liên quan trực tiếp đến chip bán dẫn như Kỹ thuật điện tử tượng tự, Kỹ thuật điện tử số, Kỹ thuật vi xử lý, Thiết kế vi mạch số, Công nghệ cảm biến và PLC, Hệ thống tự động hóa quá trình, VLSI, … đồng thời hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển ứng dụng thực tế.

Trường Đại học Giao thông vận tải đã đào tạo các chuyên ngành liên quan đến điện-điện tử từ năm 1968. Kể từ năm 2006 Nhà trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học công nghiệp (theo hướng thiết kế IC tương tự, đóng gói kiểm thử), thuộc ngành Kỹ thuật điện tử-viễn thông. Đến năm 2024 bắt đầu mở và tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính (theo hướng thiết kế IC số, đóng gói kiểm thử), đây là ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tổng số sinh viên của các ngành liên quan trực tiếp đến công nghệ bán dẫn (Kỹ thuật điện tử-viễn thông và Kỹ thuật máy tính) tuyển sinh hàng năm là 250 sinh viên.

Bậc sau đại học thạc sĩ Kỹ thuật điện tử, Tiến sĩ Kỹ thuật điện tử với khoảng 10 học viên và nghiên cứu sinh, đa số đều làm luận văn, luận án liên quan đến IC bán dẫn.

Tính tới nay, tổng số sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điện tử và tin học công nghiệp tốt nghiệp đã hơn 1000 sinh viên.

Theo số liệu khảo sát của trường Đại học Giao thông Vận tải, trong 5 năm trở lại đây, khoảng trên 120 sinh viên tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn (chiếm khoảng 16% tổng sinh viên tốt nghiệp). Trong số đó, lĩnh vực Thiết kế IC (chiếm 12%), Đóng gói/kiểm thử Chip (chiếm 14%) và Phát triển ứng dụng Chip bán dẫn (chiếm 74%).

Hiện có 16 giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy, trong đó trình độ tiến sĩ trở lên chiếm trên 60%, đều được đào tạo bài bản trong và ngoài nước.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo các chuyên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trường Đại học Giao thông vận tải cử giảng viên tham gia các khóa học Đóng gói và kiểm thử IC do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trường ĐH Arizona State - Hoa Kỳ tổ chức; Cử giảng viên tham gia khóa học thiết kế IC tương tự do Qorvo và NIC tổ chức.

Kế hoạch trong 5 năm tới sẽ tuyển dụng thêm ít nhất 10 giảng viên có trình độ tiến sĩ về mảng chip bán dẫn.

Trong thời gian qua, trường Đại học Giao thông Vận tải đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp có liên quan ở trong và ngoài nước như Dolphin, Qorvo, CoAsia, Zinzai solution, Toshiba, Viettel, FPT, Keysight, Synopsys, .. và với các Trường đại học, tổ chức nước ngoài như Trường Đại học Tokyo, Viện JAIST -Nhật Bản, Trường Đại học Hiroshima - Nhật Bản, Đại học bang Arizona - Hoa Kỳ, Tổ chức Tresemi - Hoa Kỳ …

Thông qua NIC, trường Đại học Giao thông Vận tải còn được nhận tài trợ về phần mềm, chương trình đào tạo, các lớp học nâng cao kỹ năng (upskills) của các tập đoàn Siemens, Cadence, Synopsys.

Ngoài nguồn vốn từ nhà nước đầu tư cho phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử, trường Đại học Giao thông Vận tải còn nhận được tài trợ Phòng thí nghiệm chip nhúng của hãng Microchip.

Cũng theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tướng chính phủ, Trường Đại học Giao thông Vận tải là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở.