“Gia đình học tập” ở đây theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhung được nhìn nhận trên nhiều phương diện. Ngay như tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, tấm bằng của các bạn tân thạc sĩ, tân cử nhân không chỉ là thành quả của sự nỗ lực cá nhân mà còn là kết quả của sự hỗ trợ, động viên từ gia đình, bạn bè, thầy cô và nhà trường.
“Hãy nhớ rằng, mỗi bước đi của các bạn đều có dấu ấn của những người thân đã tin tưởng và đồng hành cùng các bạn. Trường Đại học Mở Hà Nội tự hào về các bạn và chúng tôi tin rằng các bạn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những người xung quanh bằng sự nhiệt huyết, kiến thức và kỹ năng mà các bạn đã tích lũy. Hãy luôn nhớ rằng, tri thức là vô tận và con đường học tập không bao giờ có điểm dừng. Hãy tiếp tục khám phá, học hỏi và hoàn thiện bản thân”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung trong lời phát biểu của mình đã nhấn mạnh vai trò đồng hành của người thân, gia đình cũng như mong muốn các học viên tiếp tục giữ vững và lan tỏa tinh thần, niềm đam mê học tập suốt đời. Học tập không chỉ dừng lại ở việc lấy bằng cấp mà còn là quá trình liên tục để phát triển bản thân và cống hiến cho cộng đồng.
Không chỉ dừng ở sự hỗ trợ, động viên từ người thân, ở Đại học Mở Hà Nội còn có những câu chuyện đặc biệt về "gia đình học tập".
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần thời trang YODY
Ở vị trí cựu sinh viên khoa Tạo dáng Công nghiệp Trường Đại học Mở Hà Nội đồng thời đại diện cho các doanh nghiệp trao tặng hơn 100 triệu đồng cho các bạn sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc và vượt khó vươn lên, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần thời trang YODY khiến cả hội trường với cả ngàn sinh viên “bùng cháy” với những câu hỏi: Ai trong số các bạn ngồi đây mong muốn ra trường có việc làm? Ai trong số các bạn muốn có mức thu nhập cao?... Lời giải đáp bà Thanh đem đến bằng chính câu chuyện học tập, khởi nghiệp dưới mái trường Đại học Mở Hà Nội trên tinh thần “không chỉ dừng lại ở việc lấy bằng cấp mà còn là quá trình liên tục để phát triển bản thân và cống hiến cho cộng đồng”.
“Thời điểm mình chọn học ngành thời trang của trường đại học Mở Hà Nội bắt đầu từ mong ước làm việc trong lĩnh vực thời trang. Thú thực mình cũng chưa thực sự hiểu cũng như trân trọng những thứ mà thầy cô giảng dạy. Chỉ nghĩ mình cần cố gắng để học tốt và tốt nghiệp. Nhưng khi thực sự đi làm mới thấy những kiến thức nền tảng cơ bản liên quan đến màu sắc, tạo khối trên sản phẩm... vẫn đi theo mình đến tận bây giờ trong công việc lẫn đào tạo nhân sự”, bà Kim Thanh chia sẻ.
Từ tri thức thầy cô và cả trải nghiệm thương trường, bà Thanh cho rằng có ba yếu tố để tân sinh viên khởi nghiệp thành công gồm: Uớc mơ lớn và nghiêm túc thực hiện ước mơ. Tiếp theo sẽ là quá trình thực hiện ước mơ với việc chấp nhận cũng như học hỏi ngay cả trong thất bại để bước tiếp. Đừng từ bỏ sẽ tạo nên bước cuối cùng dẫn tới thành công.
Lấy dẫn chứng ngay từ hành trình khởi nghiệp của bản thân, công ty “Sáng tạo Việt” của Kim Thanh và nhóm bạn thành lập từ những năm tháng sinh viên thất bại khi tốc độ học hỏi, thích ứng không kịp tốc độ phát triển công ty. Thêm một chuỗi 20 cửa hàng nữa cũng thất bại đem đến một bài học về quản lí, về việc tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng tốt, dịch vụ tốt cho cả ngàn người với các nhu cầu khác nhau. Và điều này theo bà Kim Thanh đã làm tiền đề để YODY bước những bước vững chắc. Từ 270 cửa hàng trong nước, tháng 8 tới, YODY khai trương cửa hàng đầu tiên ở Thái Lan sau hơn 2 năm nghiên cứu thị trường. Dự kiến sẽ có chuỗi cửa hàng tại Thái Lan, mở ra cơ hội cũng như kinh nghiệm tiến ra các thị trường khác.
Một điều không nhiều người biết, cả hai vợ chồng bà Thanh đều tốt nghiệp Trường đại học Mở Hà Nội và đang cùng đồng hành xây dựng thương hiệu YODY.
"Lớp cha trước, lớp con sau"
Đứng gần lối lên xuống sân khấu trao bằng tốt nghiệp, anh Phan Tuấn Hiệp, một doanh nhân hồi hộp ngóng chờ giây phút con gái nhận bằng tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học. Hơn chục năm trước, chính anh Hiệp cũng ở vị trí này.
Năm 2012, bước vào tuổi 42, sau những năm tháng dài kinh doanh với vô vàn thăng trầm, anh quyết định đăng kí học ngành Quản trị kinh doanh của khoa E-LEARNING, đại học Mở Hà Nội.
“Mình thấy đại học Mở Hà Nội mà thời đó là Viện Đại học mở là đơn vị tiên phong về liên kết đào tạo. E-LEARNING với người vừa đi học, vừa đi làm rất thú vị, đòi hỏi tinh thần tự giác học tập rất cao và lại vô cùng tiết kiệm thời gian. Vợ mình cũng có ý kiến là già rồi còn học hành gì? Nhưng khi thấy mình học cực kì hợp lí lại hiệu quả thì chính vợ cũng chọn phương thức này để học”, anh Hiệp kể.
Hiệu quả của việc học theo anh Hiệp thể hiện qua vận hành công việc kinh doanh dần đi vào ổn định. Trong những lần thất bại trước đó, dù đã có kinh nghiệm thương trường nhưng bản thân anh khi ấy không thể lí giải hết lí do. Kiến thức quản trị doanh nghiệp giúp anh vận hành dòng tiền hiệu quả và chính xác hơn.
Câu chuyện học đại học, đặc biệt mô hình E-LEARNING với những người đi làm theo anh Hiệp nằm ở việc đã có nền trải nghiệm, kiến thức được cung cấp giúp họ nhìn lại hành trình đã qua, tránh lặp lại những sai lầm dẫn đến thất bại trước đó.
Mô hình đào tạo ở Trường Đại học Mở theo anh Hiệp ưu thế trong việc xây dựng và phát triển một hệ thống giáo dục linh hoạt, đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của cùng lúc hàng trăm ngàn người học trên nhiều vùng miền. Thêm vào đó, nhà trường còn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào giáo dục, tạo ra môi trường học tập hiện đại, giúp sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, mở ra cơ hội học tập cho những ai không có điều kiện theo học các chương trình truyền thống.
“Một mô hình giản dị và hiệu quả” từ quá trình học tập bản thân, anh Hiệp không ngại ngần khi hướng con gái chọn ngành học ở Trường Đại học Mở Hà Nội. Buổi trao bằng tốt nghiệp bởi lẽ đó đầy cảm xúc với cả hai bố con, hai người bạn cùng trường.
-Trường Đại học Mở Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với sứ mạng: Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình, chú trọng giáo dục từ xa, đa ngành, đa trình độ, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Triết lý đào tạo của Nhà trường gắn với 5 chữ Mở: mở cơ hội, mở trái tim, mở trí tuệ, mở tầm nhìn, mở tương lai. Hiện nay, Trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo 21 ngành đào tạo bậc Đại học, 7 ngành đào tạo Thạc sĩ, 1 ngành đào tạo Tiến sĩ.
- Trong hơn 3000 HV, SV tốt nghiệp đợt 2, số học viên tại Hà Nội và khu vực phía Bắc là hơn 2.700, còn lại là HV, SV tốt nghiệp học tại khu vực miền Trung và miền Nam. Sinh viên tốt nghiệp đại học hình thức từ xa học tập tại 75 địa điểm tại 33 tỉnh, thành trên toàn quốc.
-Để ghi nhận kết quả phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện, đợt tốt nghiệp này Trường Đại học Mở Hà Nội khen thưởng tại khu vực Hà Nội 278 HV, SV đạt kết quả cao trong học tập và tích cực trong các hoạt động của lớp.
-Trong khuôn khổ chương trình, các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp đã mang tới hàng nghìn cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên tốt nghiệp, cùng với đó các đơn vị doanh nghiệp cũng trao hơn 100 triệu tiền học bổng dành cho các bạn SV có thành tích học tập rèn luyện xuất sắc, vượt khó vươn lên trong học tập, tiêu biểu như Công ty cổ phần thời trang YODY trao học bổng trị giá: 45 triệu đồng; Công ty cổ phần Vicostone trao học bổng trị giá: 30 triệu đồng; Công ty TNHH TOTO Việt Nam trao học bổng trị giá: 30 triệu đồng;..