Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 về học phí công lập theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

3 năm liên tiếp không tăng học phí khiến nhiều trường ĐH cho rằng sẽ tạo áp lực cho cơ sở giáo dục ĐH vì không có kinh phí để tăng lương cho cán bộ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, học liệu…

Ở góc độ khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng giáo dục đại học hiện nay là siêu lợi nhuận. Đồng thời, đại học muốn thu học phí thấp mà không cần sự hỗ trợ của ngân sách thì phải biết kiếm tiền từ các dịch vụ khác. Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Văn Dũng.

Phóng viên: Thưa ông, năm học 2023-2024 học phí chưa tăng, nghĩa là 3 năm liên tiếp không tăng học phí. Nhiều trường ĐH cho rằng điều ảnh sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Từ khi các nghị định về học phí ra đời thì một số trường, đặc biệt một số trường tự chủ hoàn toàn đã tăng học phí những năm vừa rồi. Hiện nay có 3 loại trường. Loại trường có học phí thấp là trường chưa tự chủ, học phí khoảng 10-15 triệu đồng/năm. Loại trường thứ 2 là trường tự chủ với học phí từ 25-40 triệu đồng/năm, tương đối cao. Còn một loại rất cao là các chương trình liên kết quốc tế hoặc các trường tư có mức học phí trên 50 triệu đồng/năm.

Nhìn vào bức tranh tổng quát học phí, có thể thấy hơi quá sức với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam. Bởi vì 70% dân Việt Nam sống ở các vùng nông thôn, để nuôi một người con ăn học ở TP lớn, ngoài học phí còn có các chi phí ăn ở thì họ không thể kham nổi. Với bối cảnh của nền kinh tế sau dịch bệnh khó khăn, mức học phí trong 3 năm vừa rồi nên dừng ở điểm đó. Tôi nghĩ nếu tăng sẽ quá sức với người dân và tạo ra ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Ông từng nhắc đến việc ĐH hiện nay là siêu lợi nhuận và các trường chưa khai thác hết. Phải chăng đã đến lúc trường ĐH phải tìm nguồn thu từ nhiều nguồn khác nhau để học phí không phải là nguồn thu duy nhất?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Điều đó đúng vì gần như 99% các trường ĐH Việt Nam vẫn dựa vào học phí là chính. Thực chất, việc tăng học phí những năm vừa qua làm cho phụ huynh khổ dù họ đã được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội nhưng vẫn rất khó khăn. Thứ 2, do phải đóng học phí cao, nhiều em đi làm thâu đêm suốt sáng để có tiền đóng. Điều đó làm ảnh hưởng chất lượng đào tạo.

Tôi nghĩ một trường ĐH hiện nay hoàn toàn có thể tìm ra các nguồn khác ngoài học phí. Nguồn thu này từ đâu? Nếu lấy học phí trung bình là 25 triệu thì khoản dịch vụ từ ăn ở, các em đã chi tiêu khoản tiền lớn hơn gấp 2 -3 lần học phí. Nếu để ý khu vực xung quanh các trường ĐH lớn ở các TP lớn, đại đa số người dân gần trường sống khỏe và có thu nhập rất cao nhờ các dịch vụ của sinh viên từ internet, nhà thuê, quán ăn, dịch vụ giải trí....

Lấy một ví dụ đơn giản là hiện nay các trường yêu cầu chuẩn đầu ra Tiếng Anh. Một số trường tổ chức các lớp trong trường nhưng không đủ, buộc sinh viên ra các trung tâm đào tạo, luyện thi Tiếng Anh bên ngoài. Đó là khoản tiền lớn mà các trường không tận dụng được.

Hiện nay cơ chế vẫn chưa cho phép các công ty lớn đầu tư vào các trường ĐH. Một số trường ĐH mặt bằng rất lớn nhưng bỏ cho cỏ mọc, lãng phí. Trong khi đó, các công ty có thể xây dựng, đầu tư vào trang thiết bị, tạo mô hình hợp tác công ty đặt tại các trường ĐH công để đỡ tốn tiền xây dựng, đỡ tốn tiền quản lý, sẽ tiết kiệm được chi tiêu.

Về các khoản tiết kiệm trong các trường hiện nay, 3 năm vừa rồi nguồn chi cho con người của các trường rất lớn, thậm chí thu nhập bình quân của cán bộ giảng dạy ở các trường tự chủ tăng lên 50 đến 100 trăm triệu đồng/tháng.

Một số trường ĐH công lập hiện nay, đội ngũ các phòng ban có tình trạng quen biết, người thân lãnh đạo vào đông. Bình quân trả cho một người làm việc ở các phòng ban hàng năm khoảng 200 triệu/người kể cả lương, thưởng. Trong khi đó, công việc ở các phòng ban ở một trường ĐH thường mang tính chất thời vụ, công việc nhiều vào giai đoạn tuyển sinh, nhập học, hoặc cuối học kỳ còn trong năm học gần như ít việc. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm kinh phí bằng cách sử dụng sinh viên.

8 năm làm hiệu trưởng, tôi chỉ tuyển 7 nhân viên cán bộ các phòng ban. Còn lại toàn bộ cho SV làm. Như vậy chúng ta làm được một việc nhân văn là dùng tiền học phí trả lại tiền để các em có thu nhập, đỡ đi làm bên ngoài, đỡ sự cố bên ngoài khi đi làm thêm ở các quán ăn, cà phê, thậm chí các em nữ đi về ban đêm rất nguy hiểm.

Ông hiệu trưởng không nên ngồi tại trường mà phải đi ra ngoài xin tài trợ từ các doanh nghiệp. Tại vì theo luật, các doanh nghiệp nếu tài trợ cho giáo dục được trừ trong khoản thuế thu nhập 25%. Thực ra nhiều doanh nghiệp có thể hỗ trợ trường trang thiết bị cũng như hỗ trợ các khoản khác mà nguồn thu từ các nhà tài trợ có thể lên cả trăm tỷ mỗi năm.

Các trường ĐH hiện nay gần như chỉ sống bằng dạy học mà ít sống bằng các phát minh sáng chế, chuyển giao công nghệ. Thậm chí, có trường hợp lợi dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong trường đem chuyển giao công nghệ ra bên ngoài, lập công ty bên ngoài bỏ tiền túi. Lý do là chúng ta chưa có quy chế rõ ràng phân chia tài sản sở hữu trí tuệ đem lại nguồn lợi cho nhà trường. Ở các nước, nguồn thu từ chuyển giao công nghệ rất lớn vì trường ĐH là nơi tạo ra những phát minh sáng chế mới để thay đổi công nghệ bên ngoài. Đa phần lãnh đạo các trường ĐH hiện nay chỉ chăm chăm vào túi tiền của phụ huynh mà không biết làm kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào học phí.

Phóng viên: Như phân tích của ông thì các trường ĐH có thể kiếm được nhiều nguồn thu khác nhau ngoài học phí. Tuy nhiên, phần đa hiện nay vẫn phụ thuộc vào học phí, phải chăng do quản trị ĐH kém hay cơ chế chính sách chưa linh hoạt để các trường tăng thu từ nhiều nguồn khác nhau?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Cả 2 lý do đều đúng. Theo quan sát của tôi đa phần các hiệu trưởng chỉ căn cứ vào mục tiêu của ĐH hiện nay là đào tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng là chính mà không thấy ĐH ngày nay khác với ĐH truyền thống khi xưa ở chỗ tất cả ĐH bây giờ là các ĐH theo dạng khởi nghiệp, tạo ra công việc và mang tính chất như tập đoàn giáo dục. Gần như hầu hết các nhà lãnh đạo giáo dục ĐH Việt Nam còn yếu lĩnh vực này, họ không phải là nhà kinh tế. Bây giờ, phải đưa tiêu chí nguồn thu ĐH từ các nguồn khác nhau để không chỉ phụ thuộc học phí là tiêu chí đánh giá của một trường ĐH hiện đại. Điều này sẽ giúp các thầy thay đổi tư duy, nhận thức.

Về cơ chế, hiện nay các hiệu trưởng rất sợ sai, ngay cả các văn bản pháp lý hiện nay vẫn cứ quy định nhiệm vụ chủ yếu của các trường ĐH là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Do đó, riêng vấn đề tận dụng cơ sở vật chất để làm ra tiền, phục vụ sinh viên, dịch vụ kinh doanh... các trường sợ động vào sẽ sai nguyên lý, quy chế. Cho nên, chúng ta cũng phải sửa đổi quy chế, các luật liên quan đến hoạt động của các trường ĐH để làm sao cơ chế mở hơn. Lúc đó sự phụ thuộc vào học phí sẽ giảm đi và có có lợi cho người học.

Các trường ĐH tốp trên đào tạo nhân lực tốt có học phí cao nên gần như con nhà nghèo ở vùng sâu vùng xa nông thôn bỏ đi xuất khẩu lao động, không đi học nữa. Như vậy, tương lai gần đất nước mình cần phát triển cho vùng sâu vùng xa, các địa phương nghèo cần nhân lực tốt sẽ không có. Bởi vì con nhà giàu ở TP vào ĐH tốp trên ở lại TP làm chứ có bao giờ quay về vùng khó khăn đâu. Điều đó sẽ gây ra hậu quả xấu, làm mất cân đối đào tạo nhân lực phát triển đồng đều các vùng miền của nước ta.

Phóng viên: Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia đánh giá học phí ĐH của ta thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung thế giới. Ông nhìn nhận sao về điều này?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Chúng ta không thể so học phí với các nước được vì học phí phải đi đôi với mức thu nhập bình quân đầu người. Đặc biệt ở Việt Nam khoảng cách thu nhập bình quân đầu người ở các vùng miền khác nhau vô cùng lớn nên cơ chế học phí phải tính đến vùng miền và không so sánh với các nước.

Tôi làm giáo dục nhiều năm, thấy rằng ở mức 20-30 triệu đồng/năm là vừa phải với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam. Các nước trong khu vực, đặc biệt các trường ở khu vực Đông Nam Á có học phí 1500-2000 USD. Nếu tăng ào ạt học phí thì ngoài bất cập đào tạo nhân lực ở các vùng miền cũng sẽ đẩy một số học sinh học hết phổ thông sẽ đi ra nước ngoài học chứ không học trong nước./.

Trân trọng cảm ơn ông./.