Đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh người địa phương với kinh phí 6-12 tỷ đồng

Theo đó, dự án sẽ đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh là người của địa phương, theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hoá”. UBND huyện Mèo Vạc chọn tuyển sinh viên cử đi học đại học tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp, tiếp nhận số giáo viên này về dạy Tiếng Anh cho học sinh của huyện.

Trong 4 năm học đại học, trường Marie Curie sẽ cấp học bổng để 30 sinh viên có tiền ăn, ở và học tập. Mục đích của dự án là tạo nguồn giáo viên tiếng Anh ổn định và lâu dài cho huyện Mèo Vạc nhằm giải quyến tận gốc vấn đề thiếu giáo viên.

Trong biên bản cam kết, mức học bổng tối thiểu dành cho mỗi sinh viên là 5 triệu đồng/sinh viên/tháng.

“Học bổng có thể tăng lên 6-10 triệu đồng/sinh viên/tháng nếu như thành tích học tập của các em tại học kỳ này tốt thì học kỳ sau cao hơn nữa. Dự tính kinh phí để thực hiện đào tạo 30 giáo viên người địa phương cung cấp cho Mèo Vạc sẽ từ 6 đến 12 tỷ đồng. Chúng tôi hy vọng với khoản kinh phí này của trường có thể giúp sinh viên có tiền ăn, ở, học trong suốt 4 năm học Đại học”, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie chia sẻ.

Ngay sau Lễ ký kết, thầy Nguyễn Xuân Khang và lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc đã trao học bổng tháng đầu tiên cho 9 sinh viên đến từ các trường Đại học sư phạm và Ngôn ngữ Anh tại Hà Nội và Thái Nguyên. Đây là lứa sinh viên đầu tiên thụ hưởng dự án đào tạo giáo viên Tiếng anh cho huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Giải quyết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh

Phát biểu tại Lễ ký cam kết, ông Ngô Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 3 trên cả nước học tiếng Anh và Tin học. Tuy nhiên, huyện Mèo Vạc thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Cả huyện có 158 lớp 2 với 2609 học sinh nhưng chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học.

Trước khó khăn đó, Trường Marie Curie đã giúp đỡ huyện triển khai dạy tiếng Anh trực tuyến lớp 3. Theo đó, Trường Marie Curie dạy 3 tiết/tuần, còn huyện Mèo Vạc trực tiếp dạy các em 1 tiết/tuần. Khởi động dự án, Trường Marie Curie tuyển giáo viên, còn huyện Mèo Vạc khẩn trương bổ sung cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.

Kết thúc năm học 2022-2023, 22 giáo viên của Trường Marie Curie đã hoàn thành việc dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.609 học sinh lớp 3. Nhà trường tiếp tục dạy lứa học sinh nói trên khi các em lên lớp 4 và lớp 5.

Nhờ tính lan tỏa dự án dạy Tiếng Anh của Trường Marie Curie, năm nay huyện Mèo Vạc tiếp tục được Sở GD-ĐT Lâm Đồng hỗ trợ 16 giáo viên dạy 16 lớp ở 4 trường trên địa bàn huyện. Ngoài ra, nhóm thiện nguyện “Những bước chân xanh” của TPHCM cũng hỗ trợ giáo viên dạy tại 48 lớp.

Mặc dù dự án dạy tiếng Anh của Trường Marie Curie đã giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước mắt và có tính lan tỏa trong xã hội, tuy nhiên ông Cường khẳng định về lâu dài vẫn phải đào tạo người địa phương về giảng dạy cho huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, toàn huyện hiện có 24 giáo viên tiếng Anh cấp THCS và 3 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Để đáp ứng việc dạy và học cần phải bổ sung thêm khoảng 40 giáo viên tiếng Anh. Thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã tiến hành tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh nhưng không có nguồn tuyển.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi tiến hành tuyển 2 đợt giáo viên, đợt 1 được 2 cô giáo, đợt 2 được 1 giáo viên. Như vậy, thời gian tới Mèo Vạc sẽ có 4 giáo viên tiếng Anh tiểu học và 24 giáo viên THCS. Trong khi đó triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự kiến nhu cầu giáo viên Tiếng Anh cần nhiều hơn nữa.

Dự báo thời gian tới, giáo viên tiếng Anh của huyện tiếp tục thiếu do quy mô học sinh tăng, một số giáo viên Tiếng Anh luân chuyển công tác về vùng thuận lợi, số con em người địa phương theo học chuyên ngành tiếng Anh ít do đây là môn học đặc thù, nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế để nuôi con ăn học, một số em tốt nghiệp ra trường không có nhu cầu quay lại quê hương công tác”, ông Cường nêu thực tế tại địa phương.

Theo ông Ngô Mạnh Cường, với dự án “Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc” từ nay các em sinh viên có kinh phí hỗ trợ từ Trường Marie Curie nên không cần lo lắng kiếm tiền trang trải sinh hoạt, ăn ở. Cảm ơn thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cam kết triển khai dự án đúng quy định. Đồng thời, đề nghị các em sinh viên tham gia dự án phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để ra trường trở lại dạy tiếng Anh cho địa phương.

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie chia sẻ, nếu đào tạo được 30 giáo viên, về cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh về lâu dài cho huyện Mèo Vạc.

“Mong rằng, dự án mới của chúng tôi có sức lan tỏa để doanh nghiệp khác có tiềm lực kinh tế làm theo. Việc thiếu giáo viên tiếng Anh nói riêng và các môn khác nói chung của các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ được khắc phục bằng hình thức cử tuyển và xã hội hoá”.

Chia sẻ với những sinh viên có mặt tại buổi ký cam kết, thầy Khang xúc động: “Nếu các con, gia đình các con đồng ý, thầy Khang kể từ bây giờ nhận các con là con của mình.

Trước tiên như người cha, thầy cung cấp đủ tiền ăn, ở, học cho các con trong quá trình học đại học. Hy vọng các con tốt nghiệp, trở về quê hương cùng thầy cô giáo hiện nay dạy dỗ các em học sinh của huyện. Huyện sẽ lo phần lập nghiệp cho các con. Thầy cũng hy vọng phần lập thân, tức là cô giáo lấy chồng, thầy giáo lấy vợ thì các con cho thầy biết với tư cách là người cha nuôi. Từ nay chúng ta sẽ như là cha con, các con trở thành một trong những thành viên của trường Marie Curie hiện tại cũng như lâu dài. Thầy chúc các con học hành thật tốt để xứng đáng với sự tin yêu của Chính quyền địa phương, gia đình, và của thầy”.

Cam kết trở về

Chảo Thị Xuân – sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa, ĐH Khoa học Thái Nguyên phấn khởi khi nhận được học bổng.

Xuân là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh chị em, cách đây 3 năm bố em mất. Mỗi tháng, chị gái Xuân – hiện là giáo viên mầm non trong huyện Mèo Vạc cung cấp 2 triệu đồng để em có chi phí học tập, ăn ở.

“Học bổng sẽ giúp em yên tâm trong quá trình học tập và chị gái không phải chu cấp tiền ăn học cho em nữa. Chắc chắn học xong em sẽ trở về địa phương dạy học”.

Nguyễn Quang Huy, sinh viên năm thứ nhất, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những sinh viên lứa đầu tiên tham gia dự án. Em kể, suốt thời gian THCS, 3 kỹ năng đọc, viết, nghe tiếng Anh thì em tự luyện được nhưng phần nói còn yếu do điều kiện học Tiếng Anh ở Hà Giang hạn chế. Vì vậy, em chủ yếu học qua mạng, qua các tài liệu tự tìm kiếm và giao tiếp với khách du lịch trên đó.

Lên cấp 3, Huy được tạo điều kiện xuống Hà Nội học, gặp được nhiều bạn mới, giỏi tiếng Anh nên đã cùng nhau giúp đỡ, tìm tài liệu tự học. Do vậy, Huy đã đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 26.86 điểm.

“Trước khi biết đến chương trình này, em cũng nhen nhóm ý định học xong sẽ về tỉnh dạy vì trên đó thiếu giáo viên tiếng Anh. Đây cũng là công việc em cảm thấy phù hợp với mình trong tương lai”.

Chia sẻ dự định sau khi nhận được học bổng, Huy nói trước mắt em sẽ đầu tư vào việc học IELTS, TOEIC. “Học bổng mang giá trị lớn về mặt tinh thần, em tự hứa mình phải học tốt, đỗ được bằng tốt để về tỉnh dạy học sinh”./.