Sự chân thật: Bí quyết mở đầu ấn tượng
Không ít bạn trẻ bước vào phỏng vấn với tâm thế phải thể hiện sự hoàn hảo, che giấu sự lo lắng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng ngày nay không tìm kiếm người máy trả lời rập khuôn, mà tìm người thật – với cảm xúc thật và cá tính riêng.
Chị Nguyễn Hà Thành, chuyên gia tâm lý Trường Đại học FPT chia sẻ một góc nhìn đầy thấu hiểu:
“Mình căng thẳng thì mình phải nói mình căng thẳng thôi. Bạn có thể bắt đầu vào như vậy thì rất có thể họ cũng sẽ đưa cho bạn một lời động viên khích lệ và bạn cảm thấy bình tĩnh ngay sau đấy để có thể trả lời, chứ không cần phải cố giấu, cố che đậy”.
Cũng theo chị Hà Thành, nếu trả lời mọi cuộc phỏng vấn bằng cùng một kiểu nói chuyện chung chung, thiếu điểm nhấn, ứng viên rất dễ nhận lại câu quen thuộc: “Chúc bạn may mắn lần sau”.

Phỏng vấn là đối thoại hai chiều
Phỏng vấn không chỉ để nhà tuyển dụng đánh giá bạn, mà còn là cơ hội để bạn đánh giá môi trường làm việc và định hướng phát triển của công ty. Chính vì vậy, ứng viên nên chủ động đặt câu hỏi.
Chị Phạm Phương Thu – Giám đốc Dịch vụ nhân sự, Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực toàn cầu NIC đánh giá cao những ứng viên có tinh thần chủ động:
“Khi các bạn đặt câu hỏi thì mình cảm thấy các bạn không chỉ đến đây để trả lời câu hỏi mà còn tìm hiểu về công ty, về công việc, cho thấy các bạn ấy cân nhắc rất kỹ lưỡng và muốn chắc chắn rằng đây là nơi phù hợp để các bạn phát triển”.
Tuy nhiên, không phải câu hỏi nào cũng giúp bạn “ghi điểm”. Những câu hỏi quá sớm về lương hoặc những điều có thể dễ dàng tìm được trên website công ty có thể phản tác dụng.
Đặt mình vào tâm thế “cùng thắng”
Bên cạnh sự chủ động đặt câu hỏi, tinh thần “cùng thắng” giữa nhà tuyển dụng và ứng viên cũng là yếu tố quan trọng giúp cuộc phỏng vấn trở nên tích cực và hiệu quả hơn. Anh Lê Tuấn Anh, chuyên gia hướng nghiệp tại AV Careers nhấn mạnh rằng ứng viên nên bước vào buổi phỏng vấn với sự chuẩn bị kỹ càng và tâm thế hợp tác:
“Nhà tuyển dụng cũng đang rất cần ứng viên. Vì vậy, các bạn cũng cần chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng, chi tiết nhất trước khi đi phỏng vấn. Tìm hiểu về công ty, người phỏng vấn, vị trí tuyển dụng; chuẩn bị từ ngôn ngữ cơ thể, trang phục đến nội dung trao đổi…tất cả đều quan trọng”.
Sự chỉn chu và sẵn sàng giúp bạn biến buổi phỏng vấn thành cuộc trò chuyện đáng nhớ, thay vì một bài kiểm tra gây áp lực.

Điểm mạnh - điểm yếu: Đừng chung chung
Một trong những phần thử thách nhất của phỏng vấn là khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu. Nhiều bạn trẻ vẫn mắc lỗi khi trả lời chung chung như “có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…” mà thiếu dẫn chứng.
Anh Lê Tuấn Anh nhấn mạnh: “Khi đưa ra điểm mạnh thì nhớ có ví dụ để chứng minh. Còn khi nói về điểm yếu, hãy thành thật và trình bày rõ ràng bạn đang làm gì để cải thiện. Sự trưởng thành nằm ở việc bạn nhận ra điều chưa tốt và chủ động thay đổi”.
Câu trả lời thực tế, có chiều sâu sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là người hiểu rõ chính mình – điều rất cần trong môi trường làm việc hiện đại.
Hãy khiến nhà tuyển dụng “tiếc nếu bỏ lỡ bạn”
Dù có được chọn hay không, điều quan trọng là để lại ấn tượng tích cực. Nếu bạn thể hiện được bản lĩnh, sự chỉn chu và khát vọng nghề nghiệp, rất có thể bạn sẽ được nhớ tới cho một cơ hội khác.
Lời nhắn nhủ của chị Nguyễn Hà Thành cũng là điều đáng để suy ngẫm: “Quan trọng nhất là mình có cái gì mình phải nói được cho họ là tôi đang có những điều hay ho, thú vị như thế này. Nếu anh chị không tuyển tôi thì có thể sẽ bỏ lỡ một ứng viên sáng giá. Có khi không hợp vị trí này, nhưng người ta lại gửi hồ sơ bạn cho bộ phận khác”.
Khởi đầu hành trình nghề nghiệp không chỉ bằng một bộ hồ sơ đẹp hay vài câu trả lời trôi chảy, mà là sự hiểu mình – hiểu điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu, giá trị bản thân. Tự tin không đến từ vẻ ngoài mà từ nội lực được trau dồi, từ sự chuẩn bị kỹ càng và tin rằng mình xứng đáng với vị trí mà mình đang theo đuổi.