GS Nguyễn Ngọc Châu, người đã tiếp nhận những thư tố cáo ứng viên gian lận bài báo khoa học cho biết, ông đã có buổi làm việc với Hội đồng Giáo sư ngành Y và ngành Dược. Hai hội đồng ngành này đã rà soát các ứng viên có tên trong thư và đã có kết quả:

Có 4 ứng viên có các bài báo đã được chấp nhận đăng trên Tạp chí GMR nhưng cho đến nay chưa được xuất bản chính thức. Nhà xuất bản xác nhận sự chậm trễ do dịch Covid-19. Tuy nhiên nếu trước phiên họp của HĐGSNN mà các bài báo trên chưa được xuất bản chính thức thì không được chấp nhận là bài báo quốc tế uy tín.

Có 4 ứng viên khác gồm hai ứng viên PGS không đủ phiếu tín nhiệm sau khi Hội đồng GS ngành Y bầu, một ứng viên không đủ bài báo uy tín, một ứng viên PGS thiếu thâm niên giảng dạy và ứng viên này đã có đơn gửi HĐGSNN và HĐGSNY xin rút khỏi ứng viên PGS năm 2020.

Như vậy bước đầu, 25 trong số 33 ứng viên được thông qua đã đủ các điều kiện, còn 4 ứng viên chờ bài báo đăng tải chính thức và 4 ứng viên ra khỏi danh sách.

GS Châu cho biết ông và Hội đồng ngành Y, Dược đã thống nhất về tạp chí uy tín, cụ thể là các bài báo quốc tế phải nằm trong tạp chí có trong danh mục QĐ 37-TTg và quy định của HĐGSNN (QĐ số 18/QĐ-HĐGSNN), gồm: WOS (ISI), Scopus, Pubmed cũng như một số tạp chí quốc tế khác theo Nghị quyết của HĐGSNY. Thời gian xuất bản được tính khi các Tạp chí uy tín còn nằm trong danh mục.

Tuy nhiên hai bên cũng thống nhất chất lượng bài báo quốc tế là quan trọng nhất.