Muôn kiểu những tình huống oái oăm khi đi phỏng vấn

“Nếu bạn có một hộp bút chì, ngoại trừ những cách sử dụng truyền thống, hãy liệt kê ra 10 việc bạn có thể làm với chúng?”

“Bạn muốn thiết kế một chiếc điện thoại cho người khiếm thính, vậy bạn sẽ làm việc đó như thế nào?”

“Bạn cảm thấy thế nào về việc mình sẽ phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt suốt cả năm?”

“Bạn sẽ giải quyết các vấn đề rắc rối như thế nào nếu bạn đến từ Sao Hỏa?”

Đây là một vài câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của những ông lớn công nghệ hàng đầu tại Mỹ. Ở Việt Nam cũng vậy, để có được một công việc mong muốn, sinh viên mới ra trường phải trải qua nhiều thử thách khác nhau. Nhà tuyển dụng không chỉ đòi hỏi ở ứng viên trình độ chuyên môn mà còn cả các kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống, buộc họ phải vận động đầu óc để giải quyết.

Thùy Linh, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Thủy lợi dù luôn tự tin với kiến thức chuyên môn và kỹ năng giao tiếp tốt nhưng không ít lần em “đứng hình” bởi câu hỏi bất ngờ của nhà tuyển dụng.

“Anh phỏng vấn hỏi em một câu mà em rất bất ngờ: Em tả cho anh xem là từ khi em đi vào cổng công ty cho đến khi lên chỗ phỏng vấn này có những cái gì, công ty có những đặc điểm hay là trên tường có tranh vẽ như thế nào hoặc là bạn vừa dẫn em lên em miêu tả xem bạn ấy như thế nào. Một câu hỏi thực sự là chưa bao giờ mình gặp làm mình bất ngờ và bối rối.”, Thùy Linh kể.

Mới là sinh viên năm thứ 3 nhưng Duy Sơn, một bạn trẻ ở Hà Nội cũng đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc bán thời gian tại các trung tâm ngoại ngữ và cả các công ty. Ngoài những câu hỏi vui tính, kỳ quặc của nhà tuyển dụng, Sơn cũng vấp phải không ít câu hỏi khó nhằn.

“Em đi phỏng vấn mọi người thường hỏi nếu như trong trường hợp em có một công việc khác không liên quan đến chỗ mà bây giờ em đang phỏng vấn thì em sẽ lựa chọn như thế nào. Hỏi như thế này thực sự là khó bởi vì mình còn chả biết là sẽ xảy ra việc như nào, một câu hỏi khá hóc búa.”

Một tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên gắn mác trường top đầu… đôi lúc cũng không thể cứu vãn được nếu bạn thiếu đi sự linh hoạt ở vòng phỏng vấn và đành ngậm ngùi với kết quả “chờ cơ hội khác”.

Bình tĩnh đối đầu với câu hỏi có ý đồ riêng của nhà tuyển dụng

Anh Lê Tuấn Anh khẳng định, tất cả những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra đều có ý đồ, dù đó là một câu hỏi quen thuộc hay câu hỏi lạ chưa gặp bao giờ. Những công ty lớn thích đặt ra những câu hỏi “gây khó”, thường là các câu hỏi về tình huống. Ví dụ, họ sẽ hỏi các bạn kể về một tình huống mà các bạn làm việc nhóm, kể về một tình huống mà các bạn thất bại, kể về một tình huống mà các bạn gặp gỡ khách hàng và các bạn phải làm việc với khách hàng khó tính...

Với những câu hỏi như vậy các bạn phải đưa ra được câu trả lời là một tình huống cụ thể mà các bạn đã từng làm việc và các bạn xử lý như thế nào. Đây là câu hỏi vừa lạ vừa quen. “Lạ với những bạn chưa gặp bao giờ, quen là với các công ty lớn họ sử dụng rất nhiều các câu hỏi như vậy.”

Mục đích của những câu hỏi khó là để kiểm tra độ nhanh nhạy của bạn ứng viên trong việc xử lý tình huống bất ngờ như thế nào. Thông qua cách mà bạn trả lời và phân tích tình huống, họ sẽ nhận biết bạn có những kỹ năng nào, các kỹ năng đó có phù hợp mà công ty đang tìm kiếm hay không.

Câu hỏi oái oăm thường muôn hình muôn vẻ. Tuy nhiên, anh Tuấn Anh khuyên các bạn có thể chuẩn bị trước từ nhà. Bạn có thể lên mạng tìm kiếm hoặc có thể sử dụng các công cụ AI như Chat GPT để hỏi những câu hỏi gợi ý và các bạn nên chuẩn bị trước câu trả lời ở nhà. Có thể khi đi phỏng vấn, bạn không gặp câu hỏi y như vậy, nhưng nó có thể giống tới 70-80% và quan trọng là bạn có thể tự luyện cách phản xạ nhanh.

Trong khi trả lời phỏng vấn, nếu gặp một câu hỏi quá khó, các bạn có thể xin nhà tuyển dụng 15-30 giây để suy nghĩ câu trả lời. Trong trường hợp bất đắc dĩ không thể nào trả lời được câu hỏi, bạn có thể thẳng thắn nói với nhà tuyển dụng rằng hiện tại mình chưa có câu trả lời nhưng bạn sẽ tìm ra đáp án. Sau đó, khi về nhà bạn nên suy nghĩ và có những hồi đáp với nhà tuyển dụng.

Chuẩn bị tâm thế "cùng thắng"

Dù đối mặt với câu hỏi như thế nào, anh Tuấn Anh khuyên các bạn trẻ khi tham gia phỏng vấn luôn với một tâm thế “cùng thắng”. Nhà tuyển dụng đang rất cần ứng viên nên họ cũng phải rất cẩn trọng để đưa ra những câu hỏi sát nhất, tìm hiểu được thông tin đầy đủ nhất về sự phù hợp của ứng viên đó.

Chúng ta cũng cần công việc. Vì vậy, chúng ta cũng cần sự chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng, chuẩn bị chi tiết nhất trước khi đi phỏng vấn. “Cho dù một buổi phỏng vấn hỏi câu hỏi khó hay câu hỏi dễ thì sự chuẩn bị trước buổi phỏng vấn rất quan trọng. Các bạn cần phải tìm hiểu về công ty, tìm hiểu về người phỏng vấn mình, tìm hiểu về vị trí đó và chuẩn bị những cái bên ngoài như là ngôn ngữ cơ thể, trang phục... Tất cả những thứ đó nó có thể giúp cho các bạn có được một buổi phỏng vấn thành công.”

Những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá khả năng chuyên môn của ứng viên mà còn đánh giá khả năng tự tin, kỹ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề. Khi đối mặt với những câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng, các bạn hãy giữ thái độ bình tĩnh, tự tin và hãy tập trung vào những điểm mạnh của bản thân để đưa ra những câu trả lời sáng tạo và thú vị để để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Chúc các bạn thành công!

Nghe tư vấn của anh Lê Tuấn Anh tại đây: