Chứng chỉ IELTS và điểm số ở phổ thông, thống nhất nhưng không đồng nhất

Lê Thảo Phương, một học sinh THPT nội thành Hà Nội đã trải qua ít nhất 3 khóa kiểm tra đánh giá từng giai đoạn học để chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS. Dù điểm 4 kĩ năng chênh nhau nhưng tổng điểm thi thử IELTS của Phương đã ở mức 6.0. Tuy nhiên, bài kiểm tra cuối kì gần đây tại trường THPT, Thảo Phương chỉ được 6 điểm

“Em về nhà bị bố mẹ mắng rất nhiều, cho rằng không chịu học hoặc tại sao lại học dốt thế? Học thế mà cũng đòi thi IELTS. Em khá buồn nhưng cũng không hiểu sao khi mà bài học ở trường khác hẳn các bài ở lớp luyện”, bạn học sinh này chia sẻ.

Cô Trần Loan, giáo viên THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cho rằng việc chênh lệch điểm giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm số ở trường không hiếm và cũng cần hiểu rõ tính chất của hai mô hình giảng dạy và học luyện. Trường phổ thông theo phương thức dạy tích lũy và nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh. Còn các lớp luyện chứng chỉ ngoại ngữ, cụ thể như IELTS đôi khi vì áp lực thi cử và thời gian học luyện mang tính “ăn xổi” hơn.

“Luyện thi chứng chỉ sẽ tập trung kĩ năng phô diễn khả năng ngôn ngữ. Nhưng học tốt ở phổ thông sẽ làm nền tốt cho luyện thi hoặc sử dụng lâu dài. Nhiều khi các con không nhận thức được nên bỏ bê ở trên trường, chỉ chăm chú học IELTS và từ đó điểm ở trường dễ gây sốc cho chính các em và phụ huynh. Kết quả nghe nói có thể tốt nhưng viết lại kém vì không có ngữ pháp”, cô Loan phân tích.

Việc luyện thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã lan rộng tại nhiều địa phương. Thầy Dương Văn Hoạt, giáo viên tiếng Anh trường THPT Vĩnh Bảo, Hải Phòng cũng nhận thấy tỉ lệ học sinh theo học luyện IELTS có xu hướng tăng lên, phục vụ nhu cầu xét tuyển đại học hoặc du học. Bên cạnh học sinh có năng lực thực sự, vẫn có tỷ lệ các em theo học luyện do yêu cầu từ phụ huynh.

Theo thầy Hoạt phân tích chương trình phổ thông phát triển theo diện rộng và trình độ tương đối vừa phải để phù hợp với đại đa số học sinh phổ thông trên cả nước. Còn chứng chỉ quốc tế nặng về học thuật với yêu cầu về các kĩ năng khác nhau và vì tập trung ôn luyện chứng chỉ khiến học sinh bỏ lơ việc học tập ở trường dẫn đến kết quả điểm kiểm tra giữa kì, cuối kì thấp so với kết quả những bài đánh giá thử hoặc bài thi chứng chỉ quốc tế.

Bên cạnh đó, theo thầy Hoạt, đôi khi việc luyện thi chứng chỉ cũng được các trung tâm hoặc giáo viên giỏi đúc kết, thâu tóm thành công thức, thành dạng bài để tập trung học luyện nhuần nhuyễn góp phần để thí sinh đạt kết quả cao. Còn cơ bản ngữ pháp và từ vựng các em vẫn cần một hành trình học tập và tích lũy lâu dài ở bậc phổ thông.

Tuy nhiên, cô giáo Trương Hải Hà, chuyên ngành Sư phạm Ngoại Ngữ, một trong những người Việt từng chinh phục thành công IELTS 9.0 và hiện cũng đang luyện thi IELTS, tác giả sách “IELTS Writing navigator: Towards Error-free Essays” khẳng định mẹo mực tác động không đáng kể tới điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Mặc dù vậy, yếu tố “may mắn” khi thi IELTS xuất hiện nhiều hơn, cao hơn với khi làm bài thi ở trường.

“Nếu bạn may mắn vào một đề trúng tủ, điểm của thí sinh có thể cao hơn so với thực lực ở trường vốn là nơi tổng hợp của cả đánh giá thường xuyên cũng như như đánh giá cuối năm, cuối kỳ. Vì thế mà cái yếu tố may mắn của bài kiểm tra ở trường giảm bớt đi phần nào và phản ánh đúng thực lực học và sát hơn so với bài thi mà chỉ thi một lần như chứng chỉ quốc tế”.

Bài thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã và đang trở thành một tấm vé mở ra nhiều cơ hội học tập làm việc khiến nhiều học sinh đặt nhiều thời gian công sức, đặt trọng tâm vào việc ôn luyện hơn so với việc hoàn thành các bài thi trên trường.

Lời khuyên từ các chuyên gia cho việc học luyện chứng chỉ quốc tế

Để không chạy đua theo phong trào học luyện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bất chấp năng lực của con em và thậm chí bỏ rơi nội dung học ở phổ thông rất căn bản và cần thiết, thầy Hoạt cho rằng cần một vài lưu ý. Trước hết, phụ huynh phải cân nhắc khả năng học tiếng Anh hiện tại của con ở trình độ nào thông qua bài kiểm tra đầu vào có đầy đủ các kỹ năng. Thứ hai, xác định môn tiếng Anh có thuộc môn thế mạnh của bản thân học sinh, trường đại học định thi và công việc tương lai của con có yêu cầu hoặc sử dụng ngoại ngữ.

Thứ ba cần phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình cũng như việc xắp xếp được thời gian theo học.

Hiện nay, nhiều gia đình cho con em luyện thi IELTS từ bậc tiểu học. Về điều này, cô Hải Hà cho rằng khi học sinh còn quá nhỏ sẽ chưa có đủ kiến thức xã hội, việc theo học sẽ quá sức và vô cùng khó khăn, cực khổ cho các em trước những bài nặng nội dung học thuật, phức tạp như các bài nghị luận xã hội. Nhóm những bạn không có nền tảng từ vựng ngữ pháp học luyện ngay sẽ rất dễ bỏ giữa chừng.

“Các bạn nên dành thời gian để bù đắp lại phần kiến thức hổng, xây dựng cho mình một nền tảng tương đối rồi mới bắt đầu luyện 4 kỹ năng sau đó cũng chưa muộn”, cô Hải Hà đưa ra lời khuyên.

Những người đang đi làm và có nhu cầu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh nhưng không phải để đi học thạc sỹ, tiến sĩ hay là để đi định cư ở nước ngoài theo cô Hải Hà không nhất thiết phải ôn luyện thi chứng chỉ khi có những bài thi khác phù hợp nhu cầu sử dụng tiếng Anh hơn như TOEIC. Điều này khiến việc học luyện và thi trở nên hữu ích và giảm bớt áp lực cho chính các bạn.

Với các bạn học sinh phổ thông, cô Loan khẳng định nền tảng ngữ pháp và từ vựng ngoại ngữ được xây dựng trong thời gian dài ngồi trên ghế nhà trường trở thành nền tảng vững chắc và cần thiết cho tất cả các cánh cửa bước vào tương lai gồm cả đại học, du học và cả đi làm về sau.

Khi phân tích về khả năng sử dụng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh trong thực tế khi đã có chứng chỉ quốc tế với tính học thuật cao như IELTS, cô Hải Hà cho rằng việc khá nặng về học thuật giúp người học có thể phát triển một cách toàn diện các kỹ năng sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là với mục tiêu phát triển chuyên môn ở bậc đại học hoặc cao học.

Trong khoảng vài tháng trở lại đây, ở Úc đã áp dụng chính sách cho phép thí sinh thi lại một trong 4 kỹ năng của chứng chỉ IELTS. Việt Nam mới gần đây có thông tin sẽ áp dụng chính sách cho phép thi lại một kỹ năng trong vòng 60 ngày kể từ ngày thi. Chính sách này cô Hải Hà cho rằng rất tiến bộ và ưu việt so với trước đây. Nhiều trường hợp khi đi thi, thí sinh bị áp lực tâm lý và thiếu may mắn khiến một kỹ năng bị điểm thấp hơn hẳn so với những kỹ năng còn lại. Nếu như trước đây, các bạn sẽ phải thi lại cả 4 kỹ năng vừa tốn thời gian, chi phí chưa kể có thể điểm của 3 kỹ năng kia thấp hơn so với lần đầu. Ngoài ra, công sức mà các bạn thí sinh bỏ ra sẽ được tập trung vào kỹ năng yếu đó thay vì dàn trải cho cả 4 kỹ năng như trước.

Ngoại ngữ cùng các chứng chỉ giống như cánh cửa mở ra cơ học tập, lao động cho học sinh, sinh viên. Nhưng để thần thánh hóa hoặc coi như mục đích duy nhất của việc học sớm muộn cũng sẽ khiến những người trong cuộc gánh hậu quả như hổng kiến thức nền hoặc kiến thức liên quan đến những ngành nghề khác nhau. Và như cô Loan, thầy Hoạt chia sẻ, kiến thức phổ thông vẫn cần được coi như nền tảng và cần được xây dựng vững chắc.