Gen Z và dán nhãn nhảy việc

Từ khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đến nay, Thu Thảo (24 tuổi) liên tục nhảy việc sang các lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên là nhân viên kinh doanh, tiếp theo là tư vấn bảo hiểm và hiện tại là viễn thông. Thu nhập không như kỳ vọng, môi trường làm việc “toxic”, sếp khắt khe là lý do mà Thu Thảo đưa ra khi nói về quyết định của mình.

“Mình làm công việc này cũng chỉ vì tiền thôi chứ nếu không đã nghỉ việc lâu rồi. Làm một thời gian mình cảm thấy không còn gì mới mẻ để học tập, con người mình ỳ đi, không có sự sáng tạo”, Thảo cho biết.

Trong khi Nguyễn Thùy Linh lại luôn sợ bỏ lỡ cơ hội có mức thu nhập cao nếu không nhảy việc sang doanh nghiệp mời gọi với một mức lương cao hơn.

“Ví dụ làm chăm sóc khách hàng lương không cao lắm, mình cảm thấy năng lực có thể phát triển môi trường khác và lương có thể cao hơn. Bên công ty cũ không tính KPI, làm chỉ có lương cứng còn công ty mới tính KPI, mình cân đo đong đếm được năng lực thì nhảy việc”.

Nhìn ở một góc nhìn tích cực hơn, Đinh Chí Long (23 tuổi) một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho rằng, ở độ tuổi từ 20-30 đừng ngại trải nghiệm nhiều nghề nghiệp để biết đâu mới là “chân ái” của mình. Bởi vì, làm 2-3 ngành, nhóm ngành khác nhau mới biết được đâu là thứ mình phù hợp nhất rồi mới chọn đó là sự nghiệp. “Sự nghiệp không chỉ đi với mình 5-10 năm mà có thể 30 năm nên lựa chọn khám phá các nghề nghiệp khác nhau rất đáng nên làm”, Long chia sẻ.

Nghe Talk tại đây:

Dự báo cho tới năm 2025, tại thị trường lao động Việt Nam, cứ 4 người đi làm sẽ có một người thuộc thế hệ Z. So với các thế hệ trước, gen Z thường có sự tự tin, sáng tạo, khả năng độc lập và tiếp xúc với thị trường việc làm từ sớm.

Chị Đinh Thị Thương – Trưởng phòng tuyển dụng và đào tạo của công ty TNHH xuất nhập khẩu và dịch vụ Anh Minh nhận xét, nếu như thế hệ 8X ra trường thường có nhu cầu về công việc lớn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có thu nhập, có sự cầu thị, thái độ chín chắn trong công việc và có độ nhẫn nhịn tốt thì gen Z có cái tôi khá mạnh, chỉ cần nặng lời hoặc không thích thì sẵn sàng “say goodbye”. Thậm chí, có những bạn đi làm 1 tuần – 10 ngày sẵn sàng bỏ việc mà không cần quay lại lấy lương.

Anphabe – một đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng, việc làm đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc, có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm. Bên cạnh đó, nhiều gen Z còn nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm.

Không bất ngờ trước con số này, anh Nguyễn Văn Tam, chuyên viên đào tạo nhân sự cho rằng, nếu nhảy việc giúp bạn tăng thu nhập thì tốt nhưng để lại điều tiếng xấu thì không nên.

Trong lĩnh vực tuyển dụng, có nhiều hội nhóm chia sẻ thông tin ứng viên nhảy việc nhiều và điều tiếng của nhân viên đó tại doanh nghiệp khiến họ nhảy việc. “Những thông tin này hoàn toàn có thể public công khai và đó có thể là một trong những tiêu chí để những doanh nghiệp sau cân nhắc việc có tuyển dụng bạn hay không”.

Theo anh Tam, các bạn trẻ gen Z bây giờ dễ nhảy việc hơn bởi vì cơ hội quá nhiều. Thậm chí, mức lương chưa hẳn là yếu tố quyết định giữ chân các bạn. Nhiều bạn gắn bó với doanh nghiệp chỉ đơn giản nơi đó cho họ cảm giác là “ngôi nhà thứ 2”. Ngược lại, với một công ty trả lương cao nhưng sếp đối xử tồi tệ thì gen Z không thể chấp nhận được”, anh Tam cho biết.

Trong khi đó, chị Đinh Thị Thương cho rằng, SV mới ra trường hiện nay đưa ra đòi hỏi rất cao về mức lương và môi trường làm việc. “Ngay như văn phòng làm việc, nhiều bạn cũng mong muốn được làm trong văn phòng sang chảnh chút để có khu check-in . Với những văn phòng có mặt bằng lớn, công ty có thể xây dựng luôn căng tin. Còn những công ty nhỏ, không được như kỳ vọng, các bạn có thể từ chối offer (lời mời gọi)”.

Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe cho rằng, các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tốt hơn nhưng chịu áp lực luôn phải cạnh tranh, đối diện với nỗi sợ FOMO (bỏ lỡ cơ hội). Do đó, gen Z dễ bị cảm tính, đứng núi này trông núi nọ.

“Đó là cảm giác thiếu tự tin khi thấy xung quanh có quá nhiều người thành công vì các em thường xuyên lạc trôi giữa biển thông tin từ mạng xã hội với hình ảnh, câu chuyện thành công của nhiều người và lại có vẻ vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. Do đó, gen Z dễ bị cảm tính, đứng núi này trông núi nọ, tự áp lực chạy theo lương cao, việc tốt hơn và làm trầm trọng hơn vòng luẩn quẩn nhảy việc”.

Nhảy việc – được và mất gì?

Cũng là người trẻ từng thử chuyển “nhảy” nhiều công ty khác nhau, anh Nguyễn Văn Tam chia sẻ anh từng chuyển 4 công việc trong vòng 3 năm. Khi nhảy việc, gen Z không đơn giản là chuyển đổi nơi làm việc khác nhau mà còn tiếp xúc với những “văn hóa doanh nghiệp khác nhau, tiếp xúc với nhiều con người khác nhau và có thể cho bạn những người bạn mới, những mối quan hệ mới”.

Tuy vậy, khi nhảy việc nhiều, điều gen Z phải đối mặt đầu tiên là nguồn thu nhập không ổn định. “Mỗi lần chuyển sang một công việc mới, một công ty mới, ít nhất bạn sẽ phải mất thời gian 2 tháng thử việc, điều đó sẽ làm giảm thu nhập của bạn”.

Nhân viên nhảy việc ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi mất công, mất chi phí tuyển dụng, thời gian đào tạo và làm gián đoạn đến các bộ phận xung quanh. Còn ở góc độ bạn trẻ thích nhảy việc, chị Thương cho rằng sẽ khó để rèn giũa kinh nghiệm. Mặt khác nếu liên tục làm việc trong thời gian ngắn rồi chuyển sang doanh nghiệp khác, CV xin việc “vô tình” tố cáo bạn với nhà tuyển dụng tiếp theo rằng bạn là người có xu hướng không muốn gắn bó với doanh nghiệp và không muốn tuyển dụng bạn.

Theo anh Tam, nhảy việc phải có nghệ thuật chứ không phải muốn nhảy là nhảy. Nghệ thuật ở đây chính là tìm một công việc mới chắc chắn thì mới nhảy chứ không phải nghỉ mới đi tìm, hãy cố gắng làm 6 tháng đến 1 năm trở lên vì quá trình đó thể hiện trong CV xin việc của bạn.

“Nếu bạn có mục tiêu công việc rõ ràng, may mắn hơn là bạn có người định hướng thì bạn sẽ giúp bạn rút cho mình bài học, tìm được mục tiêu và gắn bó với công việc”, chị Thương nói về giới hạn của “nhảy việc”.

Để giữ chân được những lao động trẻ sáng tạo, có cá tính, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng “văn hóa doanh nghiệp”. Theo chị Đinh Thị Thương, nếu môi trường làm việc vui vẻ, hòa đồng bạn trẻ sẽ có động lực, mong muốn đi làm hằng ngày. Đồng thời, cơ quan, doanh nghiệp cần có những kế hoạch cụ thể, chi tiết giao dealine phù hợp, kèm chế độ phúc lợi. “Hơn thế, đi làm các bạn được ghi nhận hay không cũng rất quan trọng. Nếu giúp nhân sự nhìn thấy được một lộ trình phát triển rõ ràng ngay từ đầu, chắc chắn nhân sự đó sẽ xác định gắn bó với công ty”./.