Sau 4 năm tuyển sinh đầu vào bằng phương thức giống như một số trường THPT chuyên khác, từ năm học 2024 này, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội Nhân văn, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội đã quyết định thay đổi phương thức thi tuyển học sinh chuyên. Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội về vấn đề này.

PV VOV2: Thưa ông, sau 4 kỳ tuyển sinh, công tác tuyển sinh của Trường THPT chuyên tưởng chừng đã đi vào ổn định, vậy lý do gì khiến cho năm học 2024-2025 này, nhà trường lại thay đổi phương thức tuyển sinh ?

PGS.TS Bùi Thành Nam: Trường THPT chuyên KHXHNV được thành lập năm 2019 theo Quyết định số 5673 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, đây là trường chuyên đầu tiên của cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Ngay từ những năm đầu tiên tuyển sinh, Nhà trường luôn thận trọng khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các Trường THPT chuyên trong Đại học Quốc gia HN cho đến các Trường chuyên thuộc Sở Giáo dục và ĐT Hà Nội nhằm mục đích tuyển sinh hiệu quả nhất.

Trong 2 năm đầu Nhà trường tổ chức thi cơ bản giống các Trường chuyên ở Hà Nội như thi 03 môn chung: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và thi môn chuyên. (Chỉ có môn tiếng Anh thi trắc nghiệm) và được tổ chức thành 4 buổi thi (02 ngày): Ngày đầu tiên thi môn ngữ văn chung vào buổi sáng, môn Toán và tiếng Anh thi buổi chiều, ngày thứ 2 buổi sáng thi môn Ngữ văn chuyên, buổi chiều thi môn Lịch sử và Địa lý chuyên.

Sau khi tổng kết rút kinh nghiệm, để phù hợp với các đối tượng thi vào chuyên KHXH&NV, đến năm 2022 và năm 2023 Nhà trường đã thay đổi các thức thi môn Toán từ tự luận sang thi trắc nghiệm và chỉ thi trong 01 ngày (02 buổi): Buổi sáng thi trắc nghiệm môn Toán (45 phút) và môn Ngoại ngữ (45 phút) và môn Ngữ văn chung 90 phút và Buổi chiều thi môn chuyên (150 phút).

PV VOV2 : Phương thức thi này có những điểm hạn chế gì khiến cho trường quyết định thay đổi ?

PGS.TS Bùi Thành Nam: Việc dự thi 04 môn khiến áp lực thi cử của học sinh cũng như gia đình khá cao. Đặc biệt, sau khi làm 03 bài thi môn điều kiện, nhiều học sinh không phát huy được tốt năng lực của mình khi làm bài thi chuyên. Thành ra có những em bình thường là những học sinh có năng lực nhưng kết quả bài thi môn chuyên lại không hiệu quả như khả năng vốn có của mình, căn cứ vào điểm thi em đó không đỗ được vào trường THPT chuyên Khoa học xã hội nhân văn.

Vì vậy, với mục tiêu nhằm giảm áp lực thi cử mà vẫn phát hiện, lựa chọn, những học sinh có năng khiếu, khả năng và đam mê đặc biệt đối với môn chuyên trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thay đổi phương thức thi tuyển học sinh chuyên như sau:

Các học sinh có điểm Trung bình cộng (TBC) cả năm lớp 6,7,8 và điểm TBC học kì 1 lớp 9 các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ từ 7.0 trở lên đủ điều kiện đăng kí tham dự kỳ thi chuyên và học sinh chỉ phải dự thi môn chuyên. Kết quả học tập 4 năm THCS đánh giá được nền tảng chung của kiến thức và các kĩ năng toàn diện của học sinh, đảm bảo học sinh đạt được các năng lực theo yêu cầu.

Việc chỉ sử dụng kết quả thi của môn chuyên sẽ giúp lựa chọn những thí sinh có năng khiếu, năng lực theo học, nghiên cứu chuyên sâu về môn chuyên. Việc này khuyến khích được học sinh nghiêm túc và tập trung trong việc lựa chọn và học chuyên sâu vào môn chuyên không bị phân tán và giảm áp lực thi cử cho học sinh cũng như gia đình so với việc phải dự thi nhiều môn cũng như giúp cho học sinh tập trung và hiệu quả hơn trong việc ôn tập chuẩn bị thi và việc thực hiện bài thi.

PV VOV2: Với phương thức tuyển sinh mới này, Nhà trường kỳ vọng không chỉ tuyển chọn được những thí sinh có năng lực đặc biệt và còn đáp ứng được mục tiêu nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài cho lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn?

PGS.TS Bùi Thành Nam: Với Phương thức tuyển sinh mới thí sinh chỉ phải dự thi môn chuyên nhằm mục tiêu:

Phát hiện, lựa chọn, những học sinh có năng khiếu, khả năng và đam mê đặc biệt đối với môn chuyên trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, giúp học sinh phát triển và phát huy được khả năng một cách tối đa.

Tạo điều kiện để học sinh phát triển năng lực nghiên cứu, sáng tạo và khám phá trong lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý cũng như trong các lĩnh vực liên quan. Tạo cơ hội và môi trường học tập đặc biệt cho những học sinh xuất sắc.

Phát triển kỹ năng tư duy sâu rộng và khả năng giải quyết vấn đề thông qua các mô hình học tập và thách thức cao qua đó nhà trường thực hiện được mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn cho phát triển quốc gia.

PV VOV2 : Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!