Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề "Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số".

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, đối với Việt Nam, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

"Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực Logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Australia trong việc phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện chính sách, pháp luật về Giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuyên suốt vào quá trình đào tạo nghề; lồng ghép các nội dung lý thuyết và thực hành để trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết liên quan tới lĩnh vực Logistics.

"Ngoài việc có một hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phát triển tốt, hiệu quả, được quốc tế công nhận; ngành Logistics của Australia rất phát triển và là xương sống của nền kinh tế; việc phát triển kỹ năng Logistics luôn bám sát nhu cầu của doanh nghiệp góp phần tăng năng suất lao động và giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định", ông Dũng nói.

Hiện Việt Nam đang ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, dù có nhiều sự thay đổi trong đào tạo nghề thì hệ thống Giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể cung cấp một đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinoski khẳng định: “Việc phát triển kỹ năng lao động ngành logistics rất cần thiết cho những quốc gia có hệ thống cung ứng lớn như Việt Nam. Vậy nên Australia tập trung vào ngành Logistics và đã giúp Việt Nam đưa các doanh nghiệp, chính phủ và các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp lại gần nhau nhằm giúp sinh viên phát triển những kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp”.

Thông qua chương trình Aus4Skills, hiện Australia đã chia sẻ các phương pháp và bài học về Giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một mô hình đào tạo do doanh nghiệp dẫn dắt, được thiết kế phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Mô hình này đã được ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhằm tăng cường năng lực nguồn nhân lực cho Việt Nam.

"Hội đồng LIRC, là một mô hình chưa từng có ở Việt Nam do doanh nghiệp dẫn dắt, giúp đưa ra những dự báo về kỹ năng nghề, cung cấp các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đóng góp vào việc xây dựng các khoá đào tạo mới cho giảng viên và học viên các trường nghề”, ông Vũ Ninh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) cho biết.

Cụ thể, thông qua Aus4Skills, đã có 11 chương trình đào tạo nghề ngành logistics trình độ trung cấp, cao đẳng, 9 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề ngành logistics được cập nhật. Gần 200 thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp được ký kết. 418 cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và nhà giáo các trường nghề được nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn đào tạo ngành logistics…

Ông Lưu Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng hàng hải I đánh giá cao mô hình xây dựng kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên những năng lực mà thị trường yêu cầu.

“Hầu hết các sinh viên tham gia khoá đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp. 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao. Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp tăng số lượng sinh viên đăng ký học một cách rất ấn tượng", ông Hùng chia sẻ.