GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã qua đời ở tuổi 84, lúc 11h52 phút ngày 23/1 do bệnh nặng, tuổi cao.

Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình có bố là một cán bộ cách mạng. Tháng 10/1960, cùng gần 30 tân cử nhân khác, Nguyễn Văn Hiệu được gửi đi nghiên cứu tại Liên Xô. Đây là lứa trí thức đặc biệt, được Nhà nước và Chính phủ Việt Nam gửi đi đào tạo tại nước ngoài, nhằm xây dựng đội ngũ các nhà khoa học làm nòng cốt cho việc thành lập các viện nghiên cứu trong nước.

Trong hai năm 1961 đến 1963, Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành nhiều công trình về lý thuyết tương tác yếu giữa các hạt cơ bản - một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang có “tính thời sự” lúc đó. Tiếp đó, ông đã bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực rất mới: các tính chất của các biên độ tán xạ các hạt nhân năng lượng cao.

Những nghiên cứu của ông đã gây một tiếng vang rộng lớn trong các nhà vật lý khi chứng minh được các hệ tiệm cận của các biên độ tán xạ. Kết quả lý thú nổi bật này giúp nhà vật lý trẻ tuổi Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ chỉ sau một năm. Khi ấy, Nguyễn Văn Hiệu vừa tròn 26 tuổi, là tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam và Liên Xô.

Trở thành Giáo sư khi tròn 30 tuổi

Năm 1968, Nguyễn Văn Hiệu được phong học hàm Giáo sư. Khi đó, Nguyễn Văn Hiệu vừa tròn 30 tuổi và là vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học nước nhà. Được một nhà báo phỏng vấn về trường hợp đặc biệt này, Viện sĩ M. Máccốp đã nhận xét: “Đôi khi trong cuộc đời, có người gặp may, tìm thấy những ý tưởng thiên tài dẫn đến những kết quả quan trọng, tựa như tìm thấy một mỏ vàng. Còn Nguyễn Văn Hiệu là một trường hợp khác. Như người ta thường nói, Anh không ngồi đợi khoa học “bố thí” cho mình. Anh đã đạt được những kết quả làm cho mọi người ngạc nhiên bằng cách lao động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn,… ”

Năm 1964, với thành tích nổi trội trong quá trình nghiên cứu tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna, TS. Nguyễn Văn Hiệu được Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp mời làm Phó giáo sư, rồi Giáo sư kiêm nhiệm. Tại đây, ông tiếp tục khai phá và hoàn thành nhiều công trình khoa học. Công trình “Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản” của ông đã được xuất bản thành sách tại Liên Xô và được nhiều nước trên thế giới sử dụng.

Cùng với GS.TS Lôgunốp và một số nhà vật lý khác, Nguyễn Văn Hiệu đã phát minh ra quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật “bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt”. Với công trình này, Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít những nhà khoa học của Việt Nam được Uỷ ban Nhà nước Liên Xô về phát minh và sáng chế cấp Bằng phát minh.

Những năm sau này, với sự say mê nghiên cứu không mệt mỏi, Nguyễn Văn Hiệu là tác giả và đồng tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về những vấn đề lý thuyết thống nhất tương tác giữa các hạt cơ bản và lý thuyết chất rắn. Trong lĩnh vực nghiên cứu về lý thuyết chất rắn, các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới luôn coi GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người anh cả và là chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực này.

Năm 1969, Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam. Lúc này, Chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. GS. Nguyễn Văn Hiệu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý. Ông là một Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.

Tháng 6.1976, sau ngày cả nước đi bầu Quốc hội lần đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, GS. Nguyễn Văn Hiệu đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng. Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu. Suốt những năm tháng này, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về vật lý chất rắn, ông còn có đóng góp đặc biệt trong việc tổ chức đưa cây thanh hao hoa vàng vào trồng đại trà ở miền núi phía bắc, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất quy mô công nghiệp thuốc chữa bệnh sốt rét, phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Suốt đời đau đáu cho sự nghiệp giáo dục

Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đồng thời là một người quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người trong ngành giáo dục đã biết đến những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng của ông khi ông còn là đại biểu Quốc hội.

Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Theo ông, để đảm bảo sự công bằng cho đội ngũ những “người đứng bục” cần có các mức phụ cấp khác nhau cho những từng đối tượng làm công tác giảng dạy: phụ cấp dành cho giảng viên - thạc sĩ phải có sự khác biệt với giảng viên - tiến sĩ hoặc giáo sư.

Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học, ông không ngừng suy nghĩ và trăn trở về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông cho rằng: “Chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Yếu tố thứ nhất là người học muốn học và có động cơ học tập chân chính: học để hiểu biết, thành người có tài phục vụ cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Yếu tố thứ hai là người thầy. Để học trò đạt được những mơ ước chân chính cần phải có những người thầy hết sức tâm huyết, muốn giúp cho học trò của mình đạt được điều đó”.

Trong cương vị một người thầy, ông có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: “Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thi giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…”.

(Theo Kỷ yếu của Đại học Quốc gia)