Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vừa ra quyết định tạm đình chỉ hiệu trưởng trường THCS Văn Phú - Ông Trần Duy Sáng – nơi xảy ra vụ việc học sinh lăng mạ, ném dép vào cô giáo.

Theo đó, hiệu trưởng trường THCS Văn Phú bị đình chỉ 15 ngày để phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên của nhà trường. Thời gian áp dụng từ ngày 7/12.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật, khi một người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hoặc để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra hành vi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng có quyền đình chỉ công tác, công việc.

Với sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, gây bức xúc dư luận, việc cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục, thậm chí tạm đình chỉ công tác với giáo viên để xảy ra sự việc là hết sức bình thường. Việc tạm đình nhằm phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra để làm rõ bản chất, nguyên nhân sự việc, xem xét trách nhiệm cơ sở giáo dục và giáo viên khi để xảy ra sự việc.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu một vài học sinh hỗn hào với thầy cô thì có thể lý giải nguyên nhân từ môi trường giáo dục gia đình, yếu tố tâm lý nhưng cả lớp, cả nhóm học sinh tấn công cô giáo thì rõ ràng đây không phải là chuyện đơn lẻ của các HS. Từ đó, phải đặt ra trách nhiệm trong công tác quản lý, làm rõ nguyên nhân sự việc theo nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó.

Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định có 3 hình thức xử lý kỷ luật học sinh bao gồm: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu thực hiện nghiêm, áp dụng triệt để thì các hình thức xử lý này đủ khả năng giáo dục các em. Tuy nhiên, nếu như khi học sinh hư hỗn hoặc có hành vi vi phạm kỷ luật mà giáo viên không biết mình phải làm gì, không áp dụng các “quyền năng” mà pháp luật cho phép và không biết trách nhiệm của mình trong sự việc thì đã dung túng cho cái sai, cái xấu.

“Ở độ tuổi THCS, học sinh thường có tâm lý bầy đàn, tâm lý đám đông, sự lôi kéo rất dễ xảy ra. Một em hư có thể kéo theo nhiều em hư, một em vi phạm thì dễ dẫn đến nhiều em vi phạm nếu như không có biện pháp ngăn chặn, nhắc nhở, khiển trách, xử lý kịp thời”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Trước đó, trong đoạn clip đăng tải ngày 4/12/2023 dài gần 2 phút xảy ra tại xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, hơn chục học sinh dồn cô giáo vào góc, liên tục chửi bới, ném đồ vào người cô và reo hò. Những học sinh này còn cầm gậy, quạt chỉ vào mặt và muốn giật điện thoại của cô giáo. Thậm chí, nhóm học sinh này còn có hành vi nằm ra đất ăn vạ, vu oan bị cô giáo đánh. Còn trong một clip khác cũng xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, cô giáo đã rượt đuổi và dùng dép ném vào học sinh trong lớp./.