Theo đó, xe chở học sinh buộc phải tuân thủ những quy định nhằm đảm bảo sự phù hợp, an toàn với học sinh theo lứa tuổi.

“Theo kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ giao thông Vận tải cũng như Cục Đăng kiểm, chúng tôi được giao nhiệm vụ xây dựng khung chuẩn 09 sửa đổi, thay thế cho quy chuẩn 09/2015. Theo đây có đề cập xây dựng yêu cầu kĩ thuật riêng cho xe chở học sinh. Chúng tôi xây dựng theo nhu cầu thực tế đồng thời mong muốn xây dựng được phương tiện có tính an toàn cao để phục vụ cho các đối tượng học sinh từ cấp trung học trở xuống với những kết cấu dành riêng cho các em”, trao đổi với phóng viên VOV2, ông Đặng Hoàng Anh, cán bộ Phòng chất lượng xe cơ giới, Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Dự thảo quy định rõ, không sử dụng xe buýt 2 tầng và xe buýt nối toa làm xe chở học sinh. Bên trong và bên ngoài xe không được có các lỗ, các góc cạnh sắc nhọn, các khuyết tật có thể gây thương tích. Xe chở học sinh theo quy định của dự thảo cũng phải là xe thiết kế, sản xuất mới hoàn toàn, không được phép sử dụng xe hoán cải.

Yêu cầu chung với xe chở học sinh về kích thước, lối lên xuống, giá để hành lý, đồ dùng, cặp sách của các em. Hệ thống camera cảnh báo chống bỏ quên học sinh trên xe trở thành yêu cầu bắt buộc.

Đối với ghế ngồi trên xe chở học sinh, dự thảo quy định không được bố trí thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe; xe được trang bị dây đai an toàn loại hai điểm và được bố trí từ hàng thứ hai trở đi.

Xe chở học sinh có bậc lên xuống phải được lắp tay vịn ở cửa hành khách và không được có phần nhô ra hoặc gờ trên tay vịn có thể gây thương tích cho học sinh và phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu và hệ thống camera bên trong để giám sát hành vi của lái xe, người quản lý học sinh và học sinh trên xe; camera bên ngoài để giám sát tình trạng giao thông phía ngoài cửa lên xuống.

Xe phải có đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi cửa lên xuống mở để đón, trả học sinh. Camera phải có hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin.

Ngoài ra, xe chở học sinh phải được trang bị hệ thống cảnh báo tự động bằng còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc khẩn cấp trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh trong trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không lâu quá 15 phút”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Đối với xe chở học sinh mẫu giáo, tiểu học, phải có thêm tối thiểu 1 chỗ ngồi cho người quản lý học sinh; xe chở từ 29 học sinh mẫu giáo, tiểu học trở lên phải có thêm 2 chỗ ngồi cho người quản lý.

Xe chở học sinh mẫu giáo không vượt quá 45 ghế; xe chở học sinh tiểu học, trung học cơ sở với số lượng không quá 56 người.

Dự kiến bản dự thảo này sẽ hoàn thiện và ban hành đồng bộ với Luật an toàn giao thông đường bộ vào đầu năm 2025.

Trước đó, từ năm 2019, xảy ra sự việc em học sinh ở tiểu học Gateway tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường hay cháu bé thoát chết trong gang tấc khi bị bỏ quên trên xe ở Tiên Du, Bắc Ninh đã dấy lên trong dư luận vấn đề quản lý vận hành hệ thống xe đưa đón học sinh tới trường an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong suốt 5 năm qua, việc đưa đón học sinh của các nhà trường vẫn bị thả nổi. Và hậu quả đã xảy ra vụ việc thương tâm khi thêm một học sinh lứa tuổi mẫu giáo tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Mầm non Hồng Nhung, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình.