1-2 tháng xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài
10 năm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội đánh giá đây là quyết định "mở cửa" cho các trường ĐH, cho phép trường phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, việc hợp tác quốc tế còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Trường ĐH Hà Nội hiện đào tạo, giảng dạy 13 ngôn ngữ khác nhau, trong đó phần lớn đều có chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên việc xin cấp phép cho chuyên gia mất rất nhiều thời gian. “Có những Đại sứ quán "nói dỗi": chúng tôi xin mãi mới được 1 chuyên gia cho nhà trường mà nhà trường không xin nổi giấy phép thì lần sau đừng có xin chuyên gia nữa”.
Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có yếu tố nước ngoài, thậm chí họp trực tuyến có sự tham gia của một người nước ngoài phải xin phép với quy trình mất từ 1.5 - 2 tháng, làm việc với Cục hợp tác quốc tế của Bộ GD-ĐT, Sở ngoại vụ Hà Nội, Thành phố. Theo bà Phương, quy trình đó làm chậm các hoạt động của nhà trường.
Ngoài ra, việc nhận tài trợ nước ngoài mà không phải ODA theo Nghị định 80 về Quản lý các khoản viện trợ nước ngoài nên dù là 5000 USD hay 1 triệu USD đều phải xin phép. Quy trình này cũng tốn rất nhiều thời gian, gây mệt mỏi cho các cán bộ hợp tác quốc tế.
“Trường tôi thuộc Bộ GD-ĐT thì xin Vụ Kế hạch Tài chính, quy trình này rất lâu thậm chí chồng chéo. Một dự án có 5 trường ĐH thì cả 5 trường đều phải xin phép và cùng viết 1 đơn như nhau, làm cho anh em làm hợp tác quốc tế bị nản vì thủ tục lâu quá. Tiền xin được lúc nhiều lúc ít”, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, đây không phải vấn đề do Bộ GD-ĐT quản lý mà do các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức các cuộc họp liên ngành, nếu cần thiết có Chính phủ tham gia để giải quyết. Đặc biệt, có các thông tư dưới nghị định để hướng dẫn các đơn vị thực hiện chuẩn, phù hợp với đặc thù giáo dục ĐH.
Theo một chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, việc khuyến khích giảng viên, chuyên gia quốc tế đến làm việc tại các trường ĐH là một trong những tiêu chí kiểm định, xếp hạng trường ĐH. Tuy nhiên, Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có những quy định về điều kiện giảng viên nước ngoài khi vào Việt Nam do liên quan đến yếu tố chính trị, an ninh quốc gia.
Vị này mong muốn Bộ GD-ĐT làm việc với Cục Việc làm – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thống nhất các điều kiện để trường ĐH đỡ khó khăn khi xin thủ tục, giấy phép cho người lao động và chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT đang theo sát vấn đề này. Nghị định 80 về nhận tài trợ nước ngoài, Thứ trưởng cũng đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch Tài chính hỏi Bộ kế hoạch Đầu tư và có báo cáo chính thức với lãnh đạo Bộ.
Qua đó, làm rõ câu hỏi "với các trường ĐH đã tự đảm bảo chi thường xuyên có thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 80 hay không? Nếu Bộ Kế hoạch đầu tư nói vẫn áp dụng thì sẽ có đề nghị với Thủ tướng".
Theo thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, những quy định về nhận tài trợ nước ngoài đang cản trở rất lớn các trường ĐH. “Trường có khả năng tìm các nguồn lực hợp tác nước ngoài từ tài chính, chuyên gia mà phải đi xin phép 1 – 2 tháng thì 80% dự án không thực hiện được, người ta không muốn làm”.
Công nhận văn bằng còn gian nan
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 nêu mục tiêu của giáo dục ĐH đến năm 2030, xếp hạng thế giới về số lượng công bố quốc tế và chỉ số H-index tăng 10 bậc; Hình thành một số cơ sở giáo dục ĐH, một số lĩnh vực đạt đẳng cấp khu vực và thế giới; đưa Việt Nam vào tốp 4 quốc gia Đông Nam Á tính theo số lượng và thứ hạng các cơ sở giáo dục ĐH có mặt trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín.
Khi trao đổi về hoạt động Hội nhập quốc tế trong Đào tạo bác sĩ Y khoa dựa trên năng lực, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng, phải tạo được cơ chế công nhận bằng cấp lẫn nhau để các trường, người học, bác sĩ được đào tạo ở Việt Nam được công nhận ít nhất là trong các nước khu vực ASEAN, trong khối châu Á hoặc xa hơn là vươn tầm ra thế giới. Theo bà Lan, hiện bên cạnh kiểm định cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) của tổ chức bảo đảm chất lượng Mạng lưới các trường đại học ASEAN. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không đặc thù cho Y khoa.
Năm 2024, theo tuyên bố của Hiệp hội Giáo dục y khoa Mỹ để bất kỳ ai có bằng cấp bác sĩ Y khoa ra trường có thể học tập và làm việc tiếp ở các quốc gia thì các chương trình phải được kiểm định của Liên đoàn giáo dục y khoa thế giới (WFNE). PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, nhà trường đang nỗ lực triển khai nhưng gặp nhiều khó khăn vì không chỉ phụ thuộc vào nhà trường mà còn toàn bộ hệ thống. “Chúng ta cần một trung tâm kiểm định trong nước được WFNE công nhận và trung tâm đó kiểm định những chương trình Y khoa trong nước để những chương trình này được công nhận”.
Đề cập vấn đề công nhận văn bằng giữa Việt Nam với các quốc gia TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho rằng Bộ GD-ĐT phải là nơi cầm trịch, chủ trì việc tham gia vào mạnh lưới công nhận các văn bằng tương đương để tạo điều kiện cho các trường ĐH Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với quốc tế.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc công nhận văn bằng đang được Bộ quan tâm và làm bài bản. Theo ông Sơn, hiện nay vẫn có một số hiệp định công nhận văn bằng giữa các Chính phủ nhưng để công nhận được văn bằng thì chúng ta phải xây dựng khung trình độ quốc gia tốt.
“Phải xây dựng chuẩn chương trình, lĩnh vực, nhóm ngành, đối chiếu xây dựng bộ tài liệu tham chiếu khung trình độ quốc gia của chúng ta với châu Á, châu Âu. Đây là bước vất vả, xong những bước này thì các nơi mới công nhận”.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện chúng ta vẫn công nhận văn bằng theo từng nghị định riêng hoặc từng trường ĐH có liên kết nước ngoài để các nước công nhận nhau. Đây là vấn đề của nhiều nước trên thế giới, nhiều bằng tốt nghiệp ở các trường nước ngoài về Việt Nam công nhận còn gặp những vấn đề lớn. Thậm chí, không phải bằng ĐH nào ở các nước tiến bộ về Việt Nam cũng được công nhận.
“Phải xây dựng khung tham chiếu và các trường ĐH mỗi nước các phải xây dựng chương trình đào tạo tuân thủ theo khung, theo chuẩn đó thì mới làm được”./.
Theo TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trong báo cáo tổng kết nghị quyết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 lần này, cần kiến nghị Trung ương có nghị quyết phát triển giáo dục ĐH riêng.
Theo ông Hải, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thực hiện phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tri thức, bản chất của khởi nghiệp sáng tạo là phải có dự án mang tính chất độc đáo khác biệt. Khởi nghiệp xuất phát từ các trường ĐH thì mới có những dự án mang tính chất bứt phá. TS. Võ Thanh Hải cho rằng cần có nghị quyết tạo hành lang pháp lý để có trường ĐH ở Việt Nam xứng tầm các ĐH thế giới.
“Ví dụ thay vì dàn trải nguồn lực vào hơn 240 trường ĐH thì đầu tư trọng tâm vào 2 ĐH Quốc gia thành ĐH tinh hoa được không? Những trường khác có ngành mạnh thì được nhà nước đầu tư, còn lại tiến hành xã hội hóa”. Theo ông Hải, khi làm được như vậy thì đồng thời cũng thực hiện được giải pháp của Nghị quyết 29 là thu hút nguồn lực xã hội ở những ngành mang tính chất phổ biến, dành nguồn lực đầu tư vào những ngành mang tính chất trọng yếu quốc gia.