Theo báo cáo Digital 2024 do Data Report thực hiện, có 70 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, chiếm 71% tổng dân số. Trong đó, Facebook có 72 triệu tài khoản, YouTube 62 triệu tài khoản, TikTok có 68 triệu tài khoản, Instagram có 12 triệu tài khoản, LinkedIn đạt 7 triệu tài khoản, Twitter có 5 triệu tài khoản…

Còn theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã cấp phép gần 1.000 mạng xã hội. Trong đó, khoảng 20 mạng xã hội có lượng người dùng lớn, như Zalo (hiện có 77 triệu tài khoản), Mocha, Gapo…

Ngoài những lợi ích mang lại, đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm mạng thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, ước tính cứ 220 người dùng điện thoại thông minh sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.

Chỉ trong 9 tháng năm 2024 Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó hơn 80% vụ việc liên quan đến chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức lừa đảo kỹ thuật số như giả mạo ngân hàng, ví điện tử, và lừa đảo đầu tư. Đặc biệt, 70% các trường hợp lừa đảo đến từ các nền tảng mạng xã hội như Zalo và Facebook.

Còn theo thống kê của Bộ Công an chỉ trong tháng 8/2024 đã có 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó 55% là qua mạng. Đáng chú ý, các thủ đoạn lừa đảo qua mạng đã trở nên đa dạng và phức tạp, từ giả mạo các cơ quan nhà nước đến lập các trang web và tài khoản mạng xã hội giả mạo để thu hút sự quan tâm của người dân.

Lừa đảo trực tuyến không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với các nền tảng số. Nạn của các vụ lừa đảo trực tuyến thường cảm thấy hoang mang, lo lắng, mất niềm tin vào người khác và xã hội. Thậm chí hành vi lừa đảo, giả mạo thông tin và chiếm đoạt tài khoản còn làm tổn hại đến danh tiếng của các tổ chức và doanh nghiệp và xa hơn là gia tăng tình trạng mất an ninh, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Và sự ra đời của Nghị định 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 này được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tội phạm trực tuyến, hạn chế tối đa thiệt hại do lừa đảo mạng gây ra.

Bởi khi Nghị định quy định bắt buộc người dùng phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc số định danh sẽ giảm đáng kể tình trạng tạo tài khoản ảo một cách ồ ạt như thời gian vừa qua. Và khi sử dụng mạng xã hội với danh tính thật, chắc chắn người dùng sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn khi đăng tải, thảo luận hay chia sẻ nội dung.

Cùng với đó, khi các thông tin được định danh chính xác, mọi hành vi lừa đảo trực tuyến có thể dễ dàng bị truy vết, phát hiện và xử lý một cách nhanh chóng. Đây có lẽ là giải pháp quan trọng và cần thiết nhất, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP ra đời được đánh giá là bước đi quan trọng và quyết liệt trong việc ngăn chặn các hành vi xấu, bảo vệ người dùng, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Nghị định này còn đặc biệt có ý nghĩa khi ngày 24/12 vừa qua, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về tội phạm mạng sau gần 4 năm đàm phán, đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng. Và công ước này sẽ được mở ký tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025 với tên gọi “Công ước Hà Nội”.