Chiều 26/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới; gợi mở các giải pháp đối với tổ chức Hội LHPN Việt Nam chuẩn bị hành trang cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam luôn được ghi nhận và khẳng định trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, đảm đang công việc gia đình, gìn giữ mạch nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và thắp sáng ngọn lửa tinh thần yêu nước, tất cả những phẩm chất tốt đẹp đó đã hun đúc lên phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và được trao truyền, vun đắp qua các thế hệ.
“Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2025 là “Phát huy vai trò của phụ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, thể hiện quyết tâm của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước, sẵn sàng cho một bước tiến quan trọng của đất nước”, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, trong bối cảnh đất nước đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, việc thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố mang tính chiến lược giúp tăng cường sức mạnh toàn diện, tạo tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Trong kỷ nguyên mới, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và đổi mới sáng tạo, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như công nghệ, khởi nghiệp, khoa học, và quản lý. Phụ nữ không chỉ là người tiêu dùng mà còn là những người sáng tạo, xây dựng doanh nghiệp, dẫn dắt các dự án và cải tiến quy trình làm việc. "Với nền tảng giáo dục và đào tạo ngày càng cao, phụ nữ trở thành những chuyên gia, nhà lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực, giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi một xã hội công bằng và bình đẳng và phụ nữ chính là lực lượng tiên phong trong việc phá vỡ những rào cản giới, đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và của cộng đồng".
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm việc tạo điều kiện xây dựng và thực thi các chính sách, cơ chế của các cơ quan, tổ chức, các hoạt động đào tạo và kết nối của Hội cũng như sự chủ động và nỗ lực không ngừng từ bản thân mỗi người phụ nữ. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam tiến xa hơn trong công cuộc phát triển.
PGS.TS Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) khẳng định: Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ góp phần giảm đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Với hơn 50,1% dân số, 46,8% tỷ trọng lực lượng lao động, các tầng lớp phụ nữ khẳng định vai trò to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, cần ưu tiên triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm lao động nữ làm việc khu vực phi chính thức, phụ nữ yếu thế và phụ nữ ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số.
Việc hỗ trợ nâng cao năng lực nghề nghiệp, năng lực số cho các nhóm phụ nữ trên sẽ giúp họ tiếp cận những dịch vụ và cơ hội tốt hơn về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống; từ đó giảm thiểu khoảng khoảng cách, phân hóa giữa các tầng lớp trong xã hội.