Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:
Mới đây, chương trình Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Đây có thể xem như chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, không chỉ là chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà còn là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ. Dự thảo có một vài điểm đáng chú ý. Cụ thể:
Đối tượng hỗ trợ chi phí học tập, ngoài đối tượng theo quy định hiện hành, bổ sung đối tượng hỗ trợ chi phí học tập bao gồm cả trẻ mẫu giáo đang học tại các trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quy định nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
"Những điểm mới này của dự thảo về phổ cập giáo dục mầm non khiến tôi và các thành viên của ban chấp hành Hiệp hội giáo dục mầm non ngoài công lập nghĩ đến 3 từ: Công bằng, tự hào và chia sẻ. Cụ thể với chính sách mới này, việc tiếp cận giáo dục mầm non với trẻ em ở mọi nơi, mọi vùng miền bất luận tình hình kinh tế, điều kiện sinh sống của gia đình, địa phương thế nào, các em đều có cơ hội tiếp cận công bằng nhất với giáo dục mầm non. Và với những giá trị đó, khi chúng ta ra nước ngoài hoặc đón bạn bè quốc tế đến thăm thì có quyền tự hào rằng Việt Nam chúng tôi có tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và từ lâu rồi thực hiện phổ cập giáo dục và đến nay phổ cập cả bậc học mầm non. Chính sách này góp phần chia sẻ gánh nặng với các gia đình trong nuôi dạy một em bé. Và đây có thể xem như cách thức trực tiếp nhất, hiệu quả nhất trong việc khuyến khích các gia đình sinh thêm con trong giai đoạn nguy cơ giảm sinh như hiện nay”, bà Đậu Thúy Hà, Ủy viên Hiệp hội giáo dục mầm non ngoài công lập chia sẻ.

Nói về trường mầm non tư thục, dân lập, thường mọi người sẽ nghĩ tới cơ hội lựa chọn cho những gia đình có điều kiện bởi chi phí cao hơn công lập. Tuy nhiên, ở những địa bàn đông lao động nhập cư như các khu công nghiệp, các trường, nhóm trẻ mầm non tư thục, dân lập trở thành cứu cánh cho phụ huynh khi trường công lập quá tải. Chính sách hỗ trợ chi phí học tập trong trường hợp này theo bà Đậu Thúy Hà được xem như sự ưu việt, đặc biệt sau khi các địa phương thực hiện tái cấu trúc về bộ máy đều sẽ kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, gia tăng cơ hội việc làm cho địa phương. Bởi lẽ đó, việc tích hợp các chính sách hỗ trợ GDMN ngoài công lập vào chính sách kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, sản xuất sẽ trở thành lợi thế cho các địa phương. Người lao động thế hệ mới sẽ yên tâm khi đăng ký tìm việc làm với “gói quyền lợi khi dịch chuyển theo doanh nghiệp”.
Sự hỗ trợ này không chỉ giảm khó khăn cho phụ huynh là công nhân lao động ở các khu công nghiệp, tạo nên mối liên kết bền chặt giữa người lao động với các doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương mà còn tăng cơ hội an toàn hơn, phát triển toàn diện hơn cho trẻ mầm non thay vì gửi cho ông bà ở quê hoặc tìm đến những cơ sở nhỏ lẻ, không được kiểm tra, giám sát để gửi gắm con em. Và chính điều này ở mức cao hơn đã khiến Việt Nam đáp ứng cao hơn nữa những cam kết với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Theo dự thảo, con em người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ 150.000 đ chi phí học tập và tối thiểu 360.000đ tiền ăn trưa. Gần nửa triệu đồng, số tiền không nhỏ với nhiều người lao động ở khu công nghiệp.
“500.000đ/tháng tức là đã chiếm 10% mức lương tối thiểu, khá quan trọng với các gia đình lao động. Ý nghĩa hơn nữa của 500.000đ ở đây không chỉ ở con số mà góp phần để trẻ phát triển toàn diện, hình thành kĩ năng quan trọng của công dân thế kỉ 21 là kĩ năng tình cảm xã hội. Nếu không có 500.000đ này, nhiều phụ huynh sẽ chọn gửi con về quê cho ông bà. Và đương nhiên trẻ sẽ bị tước cơ hội học tập, quanh quẩn với các thiết bị điện tử không được kiểm soát. Giá trị của nửa triệu ở đây giải quyết được nhiều điều và lớn hơn điều chúng ta hay nói là 500 nghìn đồng mang ra chợ mua được cái gì?”, bà Đậu Hà phân tích.
Mức hỗ trợ này không ít ý kiến cho rằng sẽ đặt ra khó khăn về ngân sách cho các địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, bà Đậu Hà khẳng định rằng kinh phí này gần như gắn trực tiếp với kế hoạch phát triển công nghiệp, công ăn việc làm của địa phương, dịch chuyển theo sự phát triển kinh tế của địa phương, nên thực ra là không khó. Nói cách khác, kinh phí này chỉ phát sinh khi địa phương thành công trong việc phát triển sản xuất, công nghiệp, thu hút người lao động.
Ngoài hỗ trợ chi phí học tập, việc có thêm nguồn hỗ trợ bữa ăn trưa cho bậc mầm non ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn, giờ thêm các con em của công nhân, lao động khu công nghiệp còn góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho trẻ ở bậc học mà chăm dinh dưỡng quan trọng ngang, thậm chí hơn cả dạy kiến thức, đặc biệt khi các chỉ số về thể hình của trẻ em Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực.

Bữa ăn học đường thực sự có vai trò rất quan trọng với gần 6 triệu trẻ em, khi đáp ứng dinh dưỡng quan trọng trong ngày sẽ tạo tiền đề cho một thế hệ đáp ứng yêu cầu sức khỏe thể chất.
“Bữa trưa học đường tại Ấn Độ có quy mô lớn nhất thế giới, hàng chục triệu trẻ em được cung cấp bữa ăn nóng miễn phí 200 ngày mỗi năm. Chương trình Quốc gia Hỗ trợ Dinh dưỡng bậc Tiểu học của Ấn Độ được bắt đầu năm 1995 nhằm giải quyết thực trạng trẻ em bị đói khi tới lớp, đồng thời để nâng cao tỉ lệ học sinh tới trường cũng như chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em”, bà Đậu Hà nêu ví dụ từ một quốc gia Châu Á về giá trị từ bữa ăn học đường.
Ngoài hỗ trợ bữa ăn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi còn có các nhóm chính sách đáng chú ý như hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, như chính sách đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp. Về phía hiệp hội giáo dục mầm non ngoài công lập, bà Đậu Hà tâm đắc nhất chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, kỹ năng giáo viên mầm non gồm cả tiếng Anh và năng lực số.
Với tất cả những nỗ lực từ ngành giáo dục, sự vào cuộc của các địa phương, bà Đậu Thúy Hà tin tưởng lộ trình “đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi" - phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030 (mức độ 1) sẽ đạt được mục tiêu này.
Đảm bảo công bằng giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục ngay ở bậc học đầu tiên là điều dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi hướng tới. Dự thảo Nghị quyết đang được tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc chăm sóc, phát triển trẻ ở lứa tuổi mầm non của nước ta.