Ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, không ai biết nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ. Sống gắn bó 76 năm nay với mảnh đất này, bà Lý Thị Tiến cũng chỉ biết dệt thổ cẩm là một phần trong cuộc sống của người dân tộc Dao Tiền. Theo phong tục, từ xa xưa, con gái Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để khi lớn lên có thể tự tay may áo, váy cho mình. Bà Tiến cũng vậy, từ lúc 10 tuổi, bà đã bắt đầu học và tự thêu thùa, dệt và nhuộm, từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp. “Thêu và vẽ trên thổ cẩm đều rất khó. Tôi phải học từ mẹ từ khi còn trẻ”, bà Tiến cho biết.

Cứ như thế, cuộc sống của bà Tiến cũng như phần lớn phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình gắn liền với việc dệt đồ thổ cẩm… Dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là để cho ra những sản phẩm phục vụ sinh hoạt mà còn là bản sắc văn hóa, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên, khi thương mại phát triển, nhiều người đã chọn việc mua áo, váy ngoài chợ thay vì tự dệt quần áo thổ cẩm truyền thống. Lo lắng trước sự mai một của nghề dệt thổ cẩm, bao năm qua, bà Tiến vẫn kiên trì, bền bỉ tự dệt khăn, áo cho mình. Mục đích là để giáo dục con cháu và thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, khi địa phương phát triển du lịch cộng đồng, bà Tiến còn tham gia hướng dẫn khách du lịch trong và ngoài nước về cách làm thổ cẩm, đồng thời giới thiệu về truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Tiền. “Mình vẫn thêu và dệt hàng ngày. Khi có khách thì mình giới thiệu cho khách hiểu hơn về nét văn hóa này của dân tộc mình. Khách muốn trải nghiệm thì mình sẽ hướng dẫn khách tự làm. Mỗi khi có khách đến, họ hiểu và yêu thích thì sẽ mua. Còn mình có thêm thu nhập’, bà Tiến cho biết.

Đã bước sang tuổi 87 nhưng ông Lâm Văn Lù, nghệ nhân cao tuổi nhất của xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vẫn say mê, tâm huyết với những làn điệu xòe của dân tộc Tày. Ông cho biết nguồn gốc điệu xòe ở Bắc Hà có từ năm 1926. Khi đó, vua Mèo Hoàng Yến Chao cho con trai nuôi đón thầy từ cao nguyên Mộc Châu về Bắc Hà dạy các điệu xòe cho đội múa. Mới đầu là để phục vụ gia đình thống lý và quan tây. Nhưng rồi điệu xòe đã vượt ra ngoài gia đình các quan, đến với người dân tộc Tày ở Tà Chải. Qua năm tháng, các làn điệu xòe trở thành món ăn tinh thần trong đời sống của người dân nơi đây. “Không xòe lúa không thành bông, không xòe ngô không ra bắp…”, ông Lù nêu dẫn chứng bằng nội dung một làn điệu xòe.

Không chỉ gìn gữ những làn điệu xòe cổ, ông Lâm Văn Lù và một số nghệ nhân trong huyện Bắc Hà còn sáng tạo ra những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu....

Gắn với các điệu xòe ở Tà Chải là âm thanh rộn ràng của cây đàn tính. Chỉ với một cây đàn tính, người chơi đàn có thể tạo nên những giai điệu náo nức, khỏe khoắn, khi trầm, khi bổng tạo nên nét đặc trưng của xòe then người Tày. Đó cũng là lý do đến giờ ông vẫn lưu giữ được 3 cây đàn then cổ, đồng thời làm và tặng cho những người yêu thích một số đàn mới.

Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhiều năm nay, ông còn truyền dạy các điệu xòe cho lớp trẻ ở địa phương. Ông tâm niệm chỉ khi lớp trẻ yêu thích và tiếp nối thì khi ấy các giá trị văn hóa của người Tày, trong đó có các điệu xòe, mới không bị mất đi.

Thực tế cho thấy, nơi nào cũng có những nét văn hóa đặc trưng và thường có những người cao tuổi nặng lòng với việc gìn giữ. Ông Lâm Văn Lù ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hay bà Lý Thị Tiến, ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình chỉ là hai trong số những người như thế.

Nghe bài viết dưới đây: