Hiện nay, hiện tượng mê tín dị đoan vẫn tồn tại, biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Nhiều hoạt động “mê tín, dị đoan” núp bóng dưới danh nghĩa “phong tục tập quán”, “tín ngưỡng, tôn giáo” trở nên khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Không ít người dân vì không phân biệt được giữa “tín ngưỡng, tôn giáo” và “mê tín, dị đoan” nên đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là các nền tảng mạng xã hội, như: Tiktok, Facebook, Zalo,… hình thức xem bói trực tuyến xuất hiện nhằm câu like, câu view, tăng tương tác trên mạng xã hội với mục đích lừa đảo, trục lợi...

Còn nhớ năm ngoái, "cô đồng" Hương gây bão trên các trang mạng xã hội với nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh người này đang hành nghề xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau tại nhà riêng với câu cửa miệng: “Đúng nhận, sai cãi”. Các clip xem bói này đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian, thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Ngay sau đấy, Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với “cô đồng” này về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Thời gian qua rất nhiều trường hợp truyền bá mê tín dị đoan bị phát giác. Tệ nạn mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của nhiều địa phương.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định một khái niệm cụ thể thế nào là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, qua các văn bản hướng dẫn cũng như qua các quan điểm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, quan điểm về chính sách, về văn hóa thì có thể hiểu là mê tín dị đoan chính là sự tin tưởng một cách mê muội vào những điều hoang đường không thực tế trái ngược với quy luật tự nhiên và không có cơ sở khoa học thì đó là mê tín dị đoan. Những hành vi mê tín dị đoan là những hành vi vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi tùy vào tính chất sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu hình sự.

Theo đó, những người hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định số 38/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đối với những người tổ chức hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội sẽ bị phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 7 Điều 14 của Nghị định số 38/2021 của Chính phủ. C

Bên cạnh đó, hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự, mức xử phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp: