Anh Nguyễn Minh Phúc ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phản ánh: Anh là công nhân lái máy xúc ở công ty TNHH Phúc Lộc Quy Nhơn, (nay là Tổng Công ty xây dựng và lắp máy Việt Nam) có trụ sở chính ở KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình làm việc tại doanh nghiệp từ năm 2014. Với quy định: Mỗi tháng, công ty giữ lương của anh cũng như rất nhiều người lao động với mức 500.000 đồng/người, khi nào đủ 30 triệu thì dừng. Với giải thích, đây là tài sản đảm bảo, anh Phúc đã đồng ý. Thế nhưng từ năm ngoái tới nay, công ty không có việc nên anh Phúc xin nghỉ và đề nghị rút lại 30 triệu đồng đã bị giữ nhưng công ty không trả. Trường hợp của anh Phúc chỉ là 1 trong 15 người lao động bị "quỵt" lương khi thôi việc.

Việc công ty không trả lương cho người lao động hiện không phải là trường hợp quá điển hình, thực tế đã có một số công nhân bị công ty "bùng" tiền lương và một số chế độ chính sách. Ông Nguyễn Trọng Hiệp - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì một trong những việc doanh nghiệp không được làm là yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ thì khi doanh nghiệp trả lương không đúng hạn, không trả hoặc không trả đủ tiền lương cho người lao động thì sẽ bị xử phạt: nếu vi phạm dưới 10 người thì phạt tối đa 20 triệu; nếu vi phạm từ 300 người trở lên thì phạt 100 triệu. Ngoài ra còn phải khắc phục hậu quả như: Buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi cao nhất. Khi người lao động nghỉ việc thì doanh nghiệp cũng phải thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của bạn trong vòng 14 ngày.

Nếu doanh nghiệp "quỵt lương", người lao động sẽ có 3 cách:

Thứ nhất, là trực tiếp yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi, đây là cách nhanh nhất. Nếu do yếu tố khách quan, công ty cầu thị và vẫn đang cố gắng sắp xếp thì có lẽ sẽ ổn. Tuy nhiên, nếu Công ty đã cố tình không trả thì cách này có lẽ sẽ không khả thi.

Thứ hai, đi qua con đường khiếu nại, tố cáo. Bạn có thể khiếu nại đến thanh tra Sở LĐTBXH. Thậm chí là thanh tra Bộ LĐTBXH nếu thanh tra Sở giải quyết không thỏa đáng.

Thứ ba, nếu cả 2 cách trên đều không được thì người lao động nên khởi kiện.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe tư vấn của ông Nguyễn Trọng Hiệp - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.