Tại Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính Phủ quy định về Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau:

“1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Tại Khoản 1 Điều 5 Luật công chứng năm 2014 quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau: “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.”

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật Thiện Duyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: pháp luật hiện hành không có quy định nào về thời hạn có hiệu lực của bản sao đã được chứng thực, hoặc văn bản đã được công chứng. Tuy nhiên, hiệu lực (giá trị sử dụng) của các các bản sao đã được chứng thực sẽ phụ thuộc vào hiệu lực, thời hạn sử dụng của bản chính.

Đối với các loại giấy tờ không có thời hạn sử dụng (Giấy khai sinh, khai tử, bảng điểm, bằng cử nhân.v.v..) thì bản sao đã được chứng thực cũng sẽ không có thời hạn sử dụng, trừ trường hợp bản chính bị thu hồi hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Đối với các loại giấy tờ có thời hạn sử dụng nhất định (Căn cước công dân, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Phiếu lý lịch tư pháp.v.v..) thì bản sao được chứng thực chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản chính còn thời hạn sử dụng.

Đối với các loại giấy tờ có thể thường xuyên có sự thay đổi, biến động (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư.v.v..) thì giá trị sử dụng của bản sao đã được chứng thực của các loại giấy tờ đó cũng chỉ có giá trị sử dụng cho đến khi bản chính có sự thay đổi, biến động (nếu có).

Như vậy, bản sao đã được chứng thực sẽ có giá trị pháp lý đến khi nào bản gốc bị thay đổi hoặc không còn giá trị pháp lý.

Mời nghe tư vấn của luật sư Nguyễn Đức Hùng về việc cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bản sao công chứng, chứng thực trong vòng 6 tháng: