Theo sử sách, Tiến sĩ Vũ Miên có hiệu là Hy Nghi tiên sinh, sinh năm 1718 trong gia đình khoa bảng ở làng Xuân Lan thuộc tổng Lâm Thao, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc xưa, nay là làng Ngọc Quan, xã Lâm Thao, tỉnh Bắc Ninh. Cha của Vũ Miên tên Vũ Khuê là Cống sĩ, thi đậu Tam trường khoa thi Hội, làm quan Huấn đạo phủ Lâm Thao, được phong đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Công bộ Tả Thị lang, Đông Các Điện Đại học sĩ, tước Lan Khê hầu.
Lớn lên ở vùng đất "địa linh" được coi là “làng khôi nguyên, đất khoa bảng”, thừa hưởng sự giáo dục của gia đình, dòng họ danh gia vọng tộc, nên từ nhỏ Vũ Miên đã nổi tiếng. 15 tuổi ông đã đỗ Đầu Xứ, 18 tuổi thi đỗ Hương giải, được ra kinh đô học tại Quốc Tử Giám. Tại khoa thi năm 1748 ông đã đỗ Tiến sĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám Hà Nội cho biết, sau khi đỗ đạt, Vũ Miên ra làm quan dưới triều Lê - Trịnh, lần lượt trải qua các chức quan trong kinh, ngoài trấn. Ông từng giữ chức Đồng đồng Kinh Bắc, Giản quan, Tán lý quân vụ Hưng Hóa… Tháng 6 năm 1767, ông được giữ chức Hành Bồi tụng. Sau đó ít lâu, vào tháng 9 năm 1767, ông được giao kiêm Tế Tửu Quốc Tử Giám. Năm 1770, Vũ Miên được thăng Thị Lang. Tháng 11 năm 1771, ông chính thức giữ chức Nhập thị Bồi tụng và được phong tước Bá. Tháng 7 năm 1774, Vũ Miên được cử giữ chức Phó đô Ngự sử, kiêm cả Lại Bộ và Binh Bộ Hữu Thị lang. Đến năm 1777, ông được phong tước Liên Khê hầu. Từ đó cho đến lúc mất vào tháng 6 năm 1782, ông lần lượt trải qua các chức Hình bộ, Binh bộ Tả Thị lang, Nhập thị hành Tham tụng.
Trải qua nhiều trọng chức, ở cương vị nào Tiến sĩ Vũ Miên cũng hoàn thành tốt chức trách được giao phó. Tuy nhiên, trong số các chức quan của Vũ Miên, để lại dấu ấn nhiều nhất là chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Vũ Miên sống trong thời kỳ có nhiều biến động của xã hội. Khi chúa Trịnh Sâm cầm quyền, muốn cải tổ nền giáo dục để thu hút nhân tài, chúa Trịnh Sâm đã chọn lựa một đội ngũ các quan lại đặc sắc như Lê Quý Đôn, Nguyễn Nghiễm, Vũ Miên … để quản lý trường Quốc học Quốc Tử Giám. Ttheo chức trách thì ngoài việc quản lý, hàng ngày Tế tửu và Tư nghiệp phải đến trường để dạy cho học trò. Vũ Miên đã làm tốt vai trò này, ông đã đào tạo được nhiều học trò đỗ đạt và nối tiếng sau này. Ông cùng với các danh nho ở Quốc Tử Giám đã chấn chỉnh, cải tạo lại hệ thống giáo dục cũng như cách thức sinh hoạt, học tập ở trường Quốc học. Trong những năm làm Thầy ở Quốc Tử Giám, từ năm 1767 đến năm 1779 ở trường Quốc học Thăng Long đã có 15 người đỗ đầu trong số hàng chục nghìn thí sinh dự thi. Điều đó cho thấy tâm huyết và những đóng góp của TS Vũ Miên với giáo dục.

Thời đó, chúa Trịnh muốn làm cuộc cải cách lớn về văn trị đã bổ nhiệm Nguyễn Nghiễm làm Trung thư giám, trông coi việc chung, Vũ Miên kiêm giữ chức Tế tửu, Phan Trọng Phiên và Lê Quý Đôn cùng giữ chức Tư nghiệp. Tế tửu và Tư nghiệp hàng ngày đến nhà Thái học, hội họp học trò để giảng bàn sách kinh sử. Mỗi tháng cứ đến ngày mùng một và ngày rằm tập văn, mỗi năm 4 tháng 1 lần thi xét duyệt. Kể từ đó chấn chỉnh được văn học.
Trong thời gian kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám, cùng với những đóng góp trong cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài, Vũ Miên còn để lại nhiều dấu ấn tại Trường Quốc học Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long. Trước khi Vũ Miên giữ chức Tế tửu, tên ông đã được khắc ghi ở văn bia Tiến sĩ khoa thi 1748. Sau đó tên ông còn 2 lần nữa được ghi ở văn bia với cương vị là người tổ chức các khoa thi năm 1778 và 1779 với chức quan duyệt quyển, tức là lựa chọn các quyển của thí sinh có chất lượng cao để trình triều đình lựa chọn thứ tự cao thấp.
Một trong những dấu ấn quan trọng nữa của Tế tửu Vũ Miên còn lưu đến ngày nay là chuông Bích Ung, quả chuông lớn hiện còn treo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Chuông thời bấy giờ ở Văn Miếu được coi là hiệu lệnh cho mọi sinh hoạt ở trường. Chuông cũng là một nhạc khí quan trọng trong các buổi lễ. Xưa kia trong sự học người ta rất trọng lễ, bởi thế có câu “Tiên học lễ”. Vì thế, lễ bái thầy “Tiên Thánh tiên Sư” là một lễ rất quan trọng.

Không chỉ là một vị quan có tài quản lý cùng những cải cách giáo dục, Tiến sĩ Vũ Miên còn có đóng góp quan trọng ở lĩnh vực sử học. Khi làm Tổng tài Quốc sử quán, ông được giao chủ trì biên soạn “Đại Việt sử ký tục biên” (1775). Bộ sách này chép sự việc từ niên hiệu Vĩnh Trị đời Lê Hy Tông đến niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê Ý Tông, gồm 6 quyển. Hoàn thành bộ quốc sử, Vũ Miên lại cùng Nguyễn Hoàn, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên biên soạn sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” (1779) chép danh sách đỗ đạt Trạng nguyên, Tiến sĩ từ năm 1075 đến năm 1787. Bên cạnh đó, Vũ Miên còn để lại một số tác phẩm văn học.
Hơn 34 năm làm quan, Vũ Miên luôn mang hết tài năng, tâm huyết ra phục vụ đất nước. Trong bối cảnh chính trị, xã hội đầy phức tạp, biến động thời Lê - Trịnh, Vũ Miên vẫn giữ quan điểm hành xử của riêng mình. Sử chép: "Biết Vũ Miên ốm nặng, khó qua khỏi, chúa Trịnh Sâm muốn nghe lời ông, đã cử quan Trung Sứ đến thăm. Vũ Miên đã có gượng dậy, tự tay viết tờ khai "Cúi mong chúa thương hãy cắt đứt tình yêu nơi chăn gối, mà định thứ tự con lớn, con nhỏ cho đúng đắn thì may mắn cho thiên hạ lắm".

Với quê hương và dòng tộc, Tiến sĩ Vũ Miên là tấm gương về tinh thần hiếu học, nhân nghĩa, tình yêu thương và trách nhiệm. Vì thế, đình Ngọc Quan, chùa Sen, đường làng, cổng làng... nơi đâu cũng ghi dấu công lao của ông. Tự hào về các bậc tiền liệt, con cháu dòng họ Vũ Miên luôn phát huy truyền thống hiếu học, gia đình nào cũng chú trọng đôn đốc con cháu học hành thành tài và luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài.
Nhớ ơn vị quan thanh liêm, chính trực, nhà giáo dục đầy tâm huyết Vũ Miên, dân làng đã tôn ông làm hậu thần từ khi ông còn sống để tỏ lòng ngưỡng vọng. Với những công lao, đóng góp cho đất nước, quê hương, Vũ Miên được nhiều nhà khoa học đánh giá là danh nhân xứ Kinh Bắc, nhà thơ, nhà sử học Việt Nam thế kỷ XVIII, là tấm gương cho các thế hệ noi theo.Tên của danh nhân Vũ Miên đã được đặt cho những đường phố đẹp ở Đà Nẵng, Bắc Ninh và Hà Nội. Tinh thần hiếu học và những đóng góp của ông còn mãi với thời gian.