Gửi thư về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của VOV2, người đàn ông kể về câu chuyện gia đình mình thế này:
Năm nay, vợ chồng tôi đều đã 75 tuổi. Tôi có 5 đứa con, 1 trai 4 gái. Con trai cả đã xin ra ở riêng nhiều năm nay, hai cô con gái thì đều đi làm dâu. Chỉ duy có cô con gái thứ ba là lấy chồng muộn, mãi đến năm 30 tuổi mới thành gia lập thất nên chúng tôi quyết định đón con rể về ở cùng để có người chăm sóc chúng tôi khi trái gió trở trời.
Năm 2010, con gái tôi kết hôn, lần lượt hai cậu con trai khỏe mạnh chào đời, gia đình tôi khi ấy sống hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc. Nhưng càng về sau này, con rể tôi lại càng có thái độ hỗn láo, thậm chí là sẵn sàng buông những lời xúc phạm, chửi bới bố mẹ vợ. Đã vậy, ở với chúng tôi bao năm, con rể chưa từng biếu xén chúng tôi một đồng. Có lần tôi góp ý, cả con gái lẫn con rể tiếp tục im lặng, coi như không nghe thấy gì.
Năm 2014, tôi làm cái nhà gỗ ba gian. Sau khi thợ đi về, thấy đống vật liệu ngổn ngang, tôi ra sắp xếp lại và cũng để cách cây chanh con rể trồng độ hai gang tay. Vậy mà, con rể từ trong nhà lao ra chỉ mặt tôi nói lớn “Mù à, không thấy cây chanh ở đó à mà làm đổ”. Quá tức giận, tôi mắng và đuổi con rể đi. Con rể cũng tức tối bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Được hai hôm, con rể quay về và trước mặt cả gia đình xin lỗi, mong tôi tha thứ do lúc đó công việc con đang phát sinh nhiều vấn đề nên tâm lý lúc đó không ổn định. Tôi đồng ý cho qua.
Khi làm nhà, tôi phải vay 60 triệu ở ngân hàng chính sách. Sau một năm, phải hoàn trả số tiền đã vay, tôi liền bán 4 con lợn hơn 3 tạ và đưa tiền cho con rể ra thanh toán giúp, con rể đồng ý. Tối đó, trong bữa cơm, tôi có hỏi con giấy thanh toán nợ đâu thì con rể chẳng nói chẳng rằng, đứng phắt dậy cầm ghế lao về phía tôi. Mọi người trong nhà hét lên, con rể mới bỏ ghế xuống rồi đi vào buồng lấy tiền ra và ném xuống bàn. Tôi không muốn làm lớn chuyện nên tiếp tục im lặng cho qua. Tôi không hiểu vì sao mà càng ngày, con rể lại dùng những lời cay độc, không thể chấp nhận được để đối đáp tôi. Nhưng vì muốn giữ hòa khí trong gia đình nên tôi đều nhẫn nhịn cho qua.
Không biết con rể tiêm nhiễm gì vào đầu mà con gái tôi thay đổi tính cách, không thèm đoái hoài, để ý gì đến bố mẹ. Bản thân tôi hàng ngày dọn dẹp nhà cửa, cơm nước phục vụ vợ chồng con cái chúng nó. Vợ tôi thì vẫn chăn trâu, lấy củi. Vậy mà, các con coi chúng tôi không ra gì. Cứ đi làm về là vợ chồng nó lẳng lặng lấy cơm ra ăn. Thấy chúng tôi lúi húi việc gì đó hoặc chỉ đơn giản là nằm nghỉ ngơi trong phòng, các con cũng chưa bao giờ biết mời chúng tôi ra ăn cơm cùng, trong khi người nấu là tôi. Bữa nào, chúng tôi cũng chỉ ăn thừa lại đồ của các con, chứ chưa bao giờ được các con phần cho tử tế. Vợ chồng con gái cũng chẳng bao giờ trò chuyện với chúng tôi, chúng coi bố mẹ như người xa lạ. Nhiều khi tôi không hiểu chúng tôi đã làm gì để các con lại ghét chúng tôi như kẻ thù. Tôi không biết tính sao để gia đình hòa thuận, êm ấm như xưa.
Sau khi câu chuyện được phát sóng trong chương trình, nhiều thính giả đã chia sẻ và đóng góp ý kiến với nhân vật:
Biên tập viên chương trình cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:
Bác ạ, cha mẹ nào cũng luôn là những người yêu thương con cái vô điều kiện, luôn cố gắng đùm bọc, che chở cho con nhiều nhất có thể, dẫu cho con đã trưởng thành. Trong mắt bố mẹ, con dù có lớn thế nào, trưởng thành ra sao thì vẫn mãi chỉ là những đứa con bé bỏng. Có lẽ cũng bởi những người con khác của bác đều đã ở riêng, mỗi cô con gái này sống chung với hai bác nên có sự gắn bó thân thiết hơn. Thêm nữa, con gái lại thành gia lập thất có phần muộn màng nên chắc hẳn vợ chồng bác cũng muốn con ở cạnh để chăm sóc, đỡ đần con và cũng là có người bầu bạn sớm hôm với hai bác. Suy nghĩ ấy không sai, nhưng cái sai chính là việc bác cứ ôm đồm tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, khiến cho vợ chồng con gái bác sinh ra tâm lý dựa dẫm, ỷ lại và coi những việc hai bác làm cho là điều hiển nhiên. Đây cũng chính là lý do khi hai bác đề cập đến việc phải đóng góp hoặc chí ít cũng biếu bố mẹ tiền thuốc chữa bệnh sau bao năm vợ chồng con gái ăn, ở nhà bác mà cả hai chỉ biết im lặng, đánh trống lảng và xem như không nghe thấy những điều hai bác nói.
Không dừng lại ở sự vô ơn, vô tâm, vợ chồng con gái bác đang dần trở nên bất hiếu với chính cha mẹ mình. Con rể đáng trách một thì con gái hai bác đáng trách gấp mười lần. Thấy chồng ăn nói hỗn láo, có thái độ xấc xược với hai bác vậy mà chị ấy chỉ im lặng hoặc có tỏ thái độ cũng rất hời hợt. Đến giờ cơm, chưa thấy bố mẹ ra ăn, con gái bác cũng không biết đi mời bố mẹ, bố mẹ bận việc cũng không biết để phần, mà thản nhiên ngồi ăn cùng chồng con, thậm chí ăn xong cũng không biết đường dọn dẹp. Đến chính con gái bác còn đối xử với bác như vậy thì làm sao con rể có sự tôn trọng với hai bác.
Nếu như lần đầu tiên con rể cư xử không phải phép, bác có cách giải quyết thỏa đáng hơn, không dễ dàng cho qua thì chắc hẳn sẽ không dẫn đến một loạt những bi kịch sau này. Biết rằng, bác không muốn làm lớn chuyện cũng là vì nghĩ cho con gái mình. Bác sợ nếu con rể giận bác thì có thể sẽ quay ra đối xử tệ bạc với con gái, với cháu ngoại nên bác đã nín nhịn cho qua. Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng, cái gì cũng cần có giới hạn của nó. Ngay cả tình yêu giữa bố mẹ và con cái cũng cần có mức độ. Yêu thương con là cách tốt nhất để một đứa trẻ trở nên có ích với xã hội, nhưng giáo dục kiểu bao bọc, che chắn lại không phải cách yêu thương con đúng đắn. Bởi người ta vẫn thường nói: “Tình yêu bao bọc sẽ chỉ sinh ra những đứa trẻ vô ơn và chỉ biết hưởng thụ”.
Bác có băn khoăn không biết làm sao để có được sự êm ấm, hòa thuận như xưa. Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh của bác, cách tốt nhất chính là học cách buông để cho con gái và con rể bác tự lập, hãy để các con tự đứng trên đôi chân của mình, tự lo cho cuộc sống gia đình riêng như cách mà 4 người con khác của bác đã làm.
Thêm nữa, bác cần tổ chức cuộc họp với cả đại gia đình để nói rõ mọi chuyện, tránh có những điều tiếng không hay về sau này. Trước mắt, bác có thể lấy lý do khác biệt về lối sống, suy nghĩ giữa hai thế hệ khiến cuộc sống gia đình có nhiều xáo trộn, mâu thuẫn. Đồng thời, mong muốn vợ chồng con gái ra ở riêng để tự lập, dẫu sao cũng không thể ở chung mãi được. Nếu các bác có dự tính hỗ trợ con gái chút ít, vì các con khác đều cũng đã có cơ ngơi riêng thì cũng nên trao đổi thẳng thắn để anh em cũng bàn bạc thống nhất một phương án cụ thể.
Xảy ra từng ấy chuyện, tôi không khuyên bác kể hết mọi việc ngay lập tức vì rất có thể điều ấy sẽ dẫn đến một mâu thuẫn lớn hơn, trầm trọng hơn và rất khó để hóa giải trong gia đình bác. Vì không ai có thể chấp nhận được việc bố mẹ của mình bị đối xử tệ bạc như vậy. Có lẽ đây cũng là điều bác không hề mong muốn, nên bác đã nhẫn nhịn bao năm qua. Tuy nhiên, sự dung túng của bác đôi khi lại khiến cho con rể càng được đà lấn tới. Cho nên, nếu trong cuộc họp, con rể và con gái vẫn không biết hối lỗi thì bác cũng nên nói rõ sự việc cho các con và cả bên thông gia để các con bác phải biết nhìn nhận lại bản thân và thay đổi. Chúc bác có thể sáng suốt đưa ra được quyết định đúng đắn, phù hợp nhất.