Gửi thư về chương trình, một nữ thính giả tâm sự:
Mẹ em từng có một cuộc đời cơ cực từ nhỏ vì bị ba ruột, bà nội và chính bố em bạo hành. Có thể sống trong môi trường khắc nghiệt từ nhỏ nên khi bị bố đánh, mẹ vẫn luôn nín nhịn, không một lời kêu ca với bất cứ ai, quanh năm suốt tháng tất tả buôn bán, trong khi bố chỉ suốt ngày rượu chè. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông cả vào đôi tay chai sần của mẹ. Kể từ khi bố em mất cách đây 20 năm, 1 tay bà nuôi nấng 2 con gái, cho học hành đầy đủ, chúng em cũng đã cố gắng giúp đỡ việc nhà để mẹ vui. Nay mẹ đã già, mỗi tháng chúng em cũng biếu mẹ một chút để bà chi tiêu sinh hoạt cá nhân…. coi như để bù đắp những bất hạnh trước đây bà đã từng gánh chịu. Hiện nay, vợ chồng chị gái em đang sống cùng mẹ.
Đáng ra, thấy con cái trưởng thành bà phải mừng thế nhưng mẹ em thì lại không như vậy. Mỗi hành động, suy nghĩ của bà rất khác lạ, tiêu cực và khó khăn với con gái. Khi xem bộ phim “sống chung với mẹ chồng”, em cảm nhận, mẹ em chính là bản sao của nhân vật truyền hình này. Nhiều người thấy mẹ em hay cáu kỉnh, quát mắng đã khuyên chúng em chăm sóc, tâm sự với mẹ nhiều hơn, biếu thêm mẹ tiền, mua đồ tặng mẹ và đưa bà đi du lịch đây đó cho bà khuây khỏa, chúng em cũng đã làm theo nhưng có vẻ như tình hình không có gì thay đổi.
Vì 2 chị em không thể bố trí ngày nghỉ cùng nhau được nên 2 chị em đã đưa mẹ đi du lịch 2 chuyến khác nhau. Khi đi với em, mẹ luôn nói vợ chồng em tốt với bà quá nên bà xin được chi tất cả tiền ăn cho chuyến đi vì chúng em đã phải chi tiền vé máy bay, khách sạn và các khoản khác. Bà cũng nói, thuê khách sạn rẻ thôi vì chỉ tắm rửa và ngủ qua đêm, ban ngày đã đi chơi rồi nên đừng tốn tiền vào khoản ấy. Biết tính mẹ tiết kiệm, không nghe lời là bà sẽ không hài lòng, làm mất ý nghĩa của chuyến đi nên em cũng đã chọn khách sạn vừa phải để ở, lúc trả tiền ăn, em cũng lén trả trước cho người ta, bà chỉ trả một chút cho đỡ xót tiền. Cả chuyến đi, mẹ chi tiêu hết khoảng 1 triệu đồng kể cả tiền mua quà bánh cho hàng xóm. Vậy mà khi về nhà, bà nói với chị gái em rằng, bà tốn cả triệu đồng cho chuyến đi mà chúng nó cho ở chỗ chẳng ra gì. Chuyến tiếp theo, bà đi với con gái lớn, vợ chồng chị ấy có điều kiện và thích đi tận hưởng nên đã chọn chỗ ở hạng sang, ăn những nhà hàng lớn và đi chơi những khu đắt tiền. Trong chuyến đi, chị đã gọi điện kể, mẹ thích lắm, tư tưởng thoải mái, mẹ cười suốt và luôn miệng khen nơi đến chơi. Nghe chị kể vậy, em cũng thấy hối hận vì chuyến đi của mình không làm được như chị. Nhưng hôm sau gọi điện về, mẹ lại kể rằng mẹ thấy tiếc, chẳng vui vẻ gì vì chị tiêu xài phung phí, 1 chuyến đi bằng người ta đi mấy lần, lương thấp mà sống như đại gia....
Cách đây mấy tháng, 2 chị em bàn nhau góp tiền để đổi cho mẹ chiếc xe máy mới thay cái xe đã cũ, tưởng mẹ hài lòng nhưng không, bà thì thầm với em: Sao mẹ ở với chị, chăm con cho chị mà chị không mua nổi chiếc xe cho mẹ sao, mà bắt con hùn? Tiền của con đáng ra đưa mẹ để mẹ có 1 khoản gửi ngân hàng…
Để mẹ được ăn uống theo sở thích nên hàng tháng, chị có đưa bà tiền chợ búa, chi tiêu sinh hoạt. Tính thoáng nên chị đưa dư dả nhưng tháng nào bà cũng kêu thiếu, bà con nói chăm con cho chị nên phải trả bà tiền này. Tháng vừa rồi, chị cũng đã đưa thêm nhưng buổi trưa bà chẳng nấu gì cho các cháu ăn mà 3 bà cháu chỉ ăn đồ thừa hoặc mì gói. Chị dù xót con lắm nhưng không dám nói, em đã góp ý thì mẹ lại than, tiền bạc khó khăn mà nấu mới mỗi ngày không đủ tiền, bữa sáng và tối ăn hẳn hoi đã quá đủ rồi…. Cứ mỗi khi có chuyện gì, bà luôn nói con gái chẳng ra gì và luôn ao ước, giá như có một thằng con trai chắc số kiếp bà không khổ như bây giờ.
2 chị em nghe mẹ than vãn cũng ứa nước mắt. Có ai đó kể về mẹ với sự vui vẻ, kính trọng, luôn mong mẹ sống mãi thì chị em chúng em lại khác, chúng em luôn thấy tủi thân khi mẹ chẳng thương con gái. Chẳng biết bà đi cùng chúng em bao lâu nữa nhưng ở đâu có bà, chúng em cũng đều thấy nặng nề. Chúng em phải làm như thế nào để mẹ hài lòng và 2 chị em được vui vẻ, hạnh phúc bên mẹ đây?
Các bạn có thể chia sẻ, góp ý với nhận vật bằng cách gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính), hoặc để lại lời nhắn dưới câu chuyện.
Mời các bạn nghe câu chuyện qua lời kể của BTV VOV2 tại đây: