Hơn nửa thế kỷ qua, căn nhà nhỏ tại số 9 Hàng Nón (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) vẫn luôn có hình bóng Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nghệ nhân Phạm Chí Khánh bền bỉ thổi hồn vào nhạc cụ dân tộc Việt Nam bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết.

“Con tằm” mải mê thổi hồn nhạc cụ 54 dân tộc

Chúng tôi đến gặp nghệ nhân Phạm Chí Khánh (sinh năm 1962) trong một buổi sáng mùa thu Hà Nội. Người nghệ nhân được ví như một con tằm mải mê thổi hồn nhạc cụ của 54 dân tộc không thể nhớ nổi mình đã phục dựng và làm ra bao nhiêu, nhưng hễ cứ nhắc đến nhạc cụ của dân tộc nào trên dải đất hình chữ S, ông cũng say sưa kể từng chi tiết, thậm chí là chơi vài đoạn nhạc du dương, trầm lắng.

“Nền âm nhạc dân tộc Việt Nam được biết đến như một kho tàng nhạc cụ dân tộc phong phú, phản ánh phần nào lịch sử và văn hóa của cả dân tộc, nhạc cụ không đơn thuần là vật vô tri mà nó còn là nơi chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người và linh hồn của núi rừng”, nghệ nhân Phạm Chí Khánh bộc bạch.

Thừa hưởng những tinh hoa từ cha là nghệ nhân Phạm Chí Đương và sinh ra tại trên mảnh đất Đọi Tam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), nơi có những nghệ nhân chế tác nhạc cụ có tiếng nên ngay từ nhỏ nghệ nhân Phạm Chí Khánh đã được tắm mình trong tiếng đàn, nhạc.

“Từ năm lên 7 - 8 tuổi, tôi đã biết bưng mặt trống, có khi còn thành thạo và nhanh hơn cả thợ bình thường. Đến năm 10 tuổi thì được cha dạy cho cách chơi đàn nhị rồi từ đó đem lòng yêu mến loại hình nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất chế tác nhạc cụ, tôi bền bỉ nhen nhóm ngọn lửa đam mê, công việc chế tác ấy đòi hỏi sự tinh tế, tính tỉ mỉ và phải là người có “máu nghệ thuật” thì mới làm được”, nghệ nhân Phạm Chí Khánh cho hay.

Năm 1979, Phạm Chí Khánh theo học tại khoa Tuồng hệ trung cấp 4 năm của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), do đó ông có điều kiện để đi biểu diễn tại các vùng miền trên cả nước. Mỗi chuyến đi biểu diễn với ông là một chuyến khám phá, sưu tầm các nhạc cụ dân tộc của các dân tộc khác nhau ở Việt Nam.

Nghệ nhân Phạm Chí Khánh chia sẻ: “Mỗi dân tộc đều có một nhạc cụ dân tộc riêng, nó chính là biểu trưng trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc đó. Từ một vài nhạc cụ truyền thống được kế thừa từ người cha, hiện nay tôi đã có thể làm được 170 loại nhạc cụ của các dân tộc khác nhau, từ các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đến các dân tộc có nền văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên. Không chỉ học cách chế tác nhạc cụ dân tộc, ông tôi cũng rất rành những câu chuyện lịch sử liên quan đến nguồn gốc, tên gọi của loại nhạc cụ đó”.

Có thể thấy, NSƯT Phạm Chí Khánh là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi chọn truyền cảm hứng về tình yêu cháy bỏng với nền âm nhạc quê hương. Không chỉ bằng lời ca hay tiếng đàn mà còn bằng cả trái tim, tâm sức và khối óc của cả đời người.

“Nhạc cụ dân tộc là máu thịt của tôi….”

Dù đã đi qua nửa đời người, nhưng người nghệ nhân 60 tuổi ấy vẫn miệt mài chế tác, vì cả đời gắn bó với nhạc cụ dân tộc, đó là máu thịt của không có gì quý giá hơn. Đôi tay phong trần qua gần 6 thập kỷ chế tác nhạc cụ, ông chỉ cho chúng tôi từng loại nhạc cụ được treo trong phòng căn phòng nhỏ: Đàn tranh, đàn bầu, đàn tỳ bà, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam thập lục, đàn sến, đàn đá, đàn T'rưng, khèn…

Nói rồi, ông lấy cây đàn tranh mình yêu thích nhất được đặt ở vị trí trung tâm độc tấu một khúc nghe mà đằm thắm, tha thiết như tiếng lòng nghệ nhân già, chúng tôi như chìm vào một không gian thơ mộng của một thế giới âm nhạc đa sắc màu. Bản nhạc kết thúc, nghệ nhân trầm ngâm, chất giọng trầm ấm cất lên:

Tiếng đàn tranh ai gảy nghe ngọt quá

Giọng nhạc buồn rót thẳm vào trong tim

Trong tim cô đơn nào ai có thấu

Nâng chén rượu mềm say rồi lại say

Nếu là con chim có cánh biết bay

Nếu là cành hoa nở ra khoe sắc…

(Trích Chữ Nam Nhi, nhà thơ Quang Lâm)

Theo nghệ nhân Phạm Chí Khánh: “Âm nhạc và nhạc cụ dân tộc của Việt Nam là những viên ngọc quý hiếm, ẩn mình dưới lòng đất. Không chỉ riêng mình tôi mà những người có máu nghệ thuật đều phải có trách nhiệm đưa những viên ngọc đó giới thiệu đến công chúng, đến bạn bè quốc tế. Văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc không phân biệt tầng lớp mà nó dành cho tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, nghệ nhân cũng đang trăn trở trước xu hướng chạy theo âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, quay lưng lại với bản sắc dân tộc, mặc cho bản sắc đang bị hao mòn theo năm tháng. Nghệ thuật của nhạc cụ dân tộc đang trở nên lạc lõng đứng trước nguy cơ “xóa sổ” bởi cơ chế thị trường.

“Có rất nhiều người nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam, họ thường đến đây để tìm hiểu, “mắt thấy tai nghe” những nghệ nhân nước ta chơi nhạc cụ dân tộc. Còn người Việt lại như đang dần lãng quên chúng ta đã có một nền âm nhạc độc đáo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, nghệ nhân Phạm Chí Khánh trải lòng.

Thật không khó để kiểm chứng những gì mà người nghệ nhân Phạm Chí Khánh trăn trở. Đến với các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc trong các nhà hát chèo, nhà hát kịch, nhà hát tuồng… lượng khán giả không nhiều. Nhu cầu của bộ phận giới trẻ, công chúng đã giúp cho âm nhạc nước ngoài “lên ngôi”.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Chí Khánh cũng chia sẻ, việc bảo tồn âm nhạc dân gian phải được thực hiện song hành với bảo tồn nhạc cụ, đạo cụ truyền thống vì chúng đang dần mất đi khi không kịp thời bảo tồn. Đã có nhiều nghệ nhân đau đáu trên hành trình đi tìm truyền nhân cho các loại hình văn nghệ dân gian. Khi họ mất đi những bài hát, điệu múa của dân tộc mình sẽ còn được lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Để khắc phục được những khó khăn ấy là cả một quá trình gian nan và dài hơi của các cơ quan chức năng. Giải pháp từ các hội thảo đến áp dụng thực tiễn lại là cả một vấn đề không thể giải quyết trong một mai.

Nghệ nhân Phạm Chí Khánh mong muốn: “Nhà nước cần có những chính sách kịp thời để bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi văn hóa bản sắc dân tộc. Muốn giới trẻ yêu mến âm nhạc dân tộc thì trước hết phải cho họ có cơ hội được tìm hiểu, được biết, được lắng nghe ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Thực tế, để sống và yêu được với nghề thì nghệ nhân cũng phải có đủ điều kiện về kinh tế để chuyên tâm theo nghề, truyền nghề cho học trò bằng tất cả tình yêu, ngọn lửa của nhiệt huyết. Những người làm nghệ thuật, bảo tồn nghệ thuật phải sống được bằng nghề chứ không chỉ là đam mê và học để chơi, để giải trí đơn thuần...

Nguồn: qdnd.vn