Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các chính sách đã phần nào đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên điểm bất cập là điều kiện ngân sách còn khó khăn dẫn tới việc chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế. Ông Toản cho rằng cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết, làm thế nào đảm bảo bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách cho người cao tuổi.

Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở cộng đồng. Bên cạnh việc quan tâm đảm bảo nguồn lực cho thực hiện các chế độ chính sách, ông Toản nhấn mạnh cần thiết có các hoạt động kiểm tra, giám sát ở các địa phương.

Bà Lê Minh Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho rằng, mức trợ cấp hiện tại cho người cao tuổi là quá thấp, không đảm bảo sinh hoạt cho người hưởng, nhất là với những người cao tuổi nghèo sống ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra chúng ta vẫn thiếu một hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cộng đồng cũng như các dịch vụ chăm sóc bán trú.

Theo bà Phạm Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban đối ngoại, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cần tiếp tục phát huy mô hình “Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau”. Đây là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi ở cộng đồng, trong đó phần lớn là người cao tuổi, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Thông qua cách tiếp cận liên thế hệ và tự giúp nhau dựa vào cộng đồng, mô hình “Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau” góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, tập trung nhiều hơn vào người cao tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương hơn.

Từ những bất cập trong chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường thực thi các chính sách trên thực tế nhằm giúp người cao tuổi có cuộc sống tuổi già mạnh khỏe, hạnh phúc.